Tiêu chí để bạn sống thọ trên 90 tuổi?

Khám Tổng Quát Để Sống Thọ Hơn

Tuổi thọ và các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ luôn là mối quan tâm của xã hội hiện đại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong số những người sống lâu hơn tuổi thọ trung bình, khoảng 25% sự gia tăng tuổi thọ liên quan đến yếu tố di truyền. Trong khi 75% còn lại chủ yếu là nhờ vào chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ như vệ sinh, an ninh xã hội, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế,…

Giới tính

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới. Điều này cho thấy giới tính khác nhau sẽ có những ảnh hưởng khác nhau lên tuổi thọ, phần lớn là do yếu tố đặc điểm sinh lý của mỗi giới (hormone, di truyền và cấu trúc cơ thể) và yếu tố xã hội (hành vi, lối sống, trải nghiệm và vai trò xã hội).

Những đặc điểm sinh học giúp phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới mang tính tự nhiên, khó có thể thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giảm thiểu khoảng cách tuổi thọ giữa hai giới thông qua việc khuyến khích lối sống lành mạnh và tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Nữ giới thường có xu hướng sống thọ hơn nam giới
Nữ giới thường có xu hướng sống thọ hơn nam giới

Di truyền

Con cái hoặc anh chị em của những người sống thọ cũng có khả năng duy trì sức khỏe tốt và sống lâu hơn bạn bè đồng trang lứa. Những người này ít có khả năng mắc các bệnh liên quan đến tuổi già như cao huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường tuýp 2. Nhìn chung, tuổi thọ cao có thể di truyền giữa các thành viên trong gia đình, điều này phần nào phản ánh gene di truyền và lối sống giống nhau có ảnh hưởng đến sự trường thọ trong gia đình.

Nghiên cứu về các gene di truyền quyết định tuổi thọ của con người vẫn là một lĩnh vực mới và đang được phát triển. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu một vài cộng đồng có dân số thường sống thọ đến 90 tuổi và cao hơn như vùng Okinawa (Nhật Bản), Ikaria (Hy Lạp) và Sardinia (Ý) để hiểu thêm về xu hướng này.

Di truyền có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta
Di truyền có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta

Vệ sinh

Yếu tố vệ sinh cũng liên quan đến tuổi thọ. Vệ sinh kém tạo điều kiện thuận lợi để bệnh tật lây lan, chẳng hạn như dịch tả, tiêu chảy, viêm gan A, bệnh thương hàn,… Từ đó khiến tuổi thọ bị giảm xuống đáng kể. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2019, khoảng 485000 ca tử vong do tiêu chảy mỗi năm chủ yếu xuất phát từ việc sử nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Yếu tố vệ sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ
Yếu tố vệ sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng

Hai yếu tố quan trọng trong chế độ ăn uống giúp tăng tuổi thọ đó là tăng cường sử dụng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe đồng thời hạn chế tiêu thụ chất đạm. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và cà phê để có một sức khỏe tốt cũng quan trọng không kém việc hạn chế thịt đỏ, thịt đã qua chế biến. Ngoài ra, chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean Diet) chú trọng vào các loại hải sản, rau quả theo mùa và chất béo có lợi từ dầu olive cũng được cho là giúp gia tăng tuổi thọ.

Chế ăn Địa Trung Hải khuyến khích:

– Ăn nhiều: Trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt và các chất béo tốt cho tim mạch

– Ăn ít: Thực phẩm chế biến sẵn, ngũ cốc tinh luyện và đường

– Hạn chế: Rượu bia

Nên cân nhắc sử dụng thực phẩm nguyên cám
Nên cân nhắc sử dụng thực phẩm nguyên cám

Vận động thể chất

Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Những người thường xuyên vận động cơ thể, tập luyện thể dục sẽ giảm được khoảng 30 – 35% nguy cơ tử vong sớm so với người ít hoạt động thể chất. Nhìn chung, hoạt động thể chất với cường độ, tần suất vừa phải giúp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ, tuy nhiên việc tập luyện với cường độ cao hơn có giúp cải thiện tuổi thọ hay không vẫn cần nghiên cứu thêm.

Nên thường xuyên hoạt động thể chất
Nên thường xuyên hoạt động thể chất

Thói quen sinh hoạt

Theo một nghiên cứu tại Đại học Osaka, Nhật Bản, việc hình thành năm thói quen lành mạnh trở lên giúp gia tăng tuổi thọ. Một vài thói quen như hạn chế rượu bia, không hút thuốc, giảm cân và ngủ đủ giấc có thể giúp tăng thêm ít nhất 6 năm tuổi thọ cho một người 40 tuổi khỏe mạnh. Điều này thậm chí cũng hiệu quả tương tự đối với những người ở độ tuổi 80 trở lên.

Bên cạnh việc giúp tăng tuổi thọ, duy trì một lối sống lành mạnh còn giúp giảm nguy cơ mắc những bệnh thường gặp ở người già như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, sa sút trí tuệ và các bệnh mãn tính khác.

Nên duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh
Nên duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh

An ninh

Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của hành vi bạo lực và tội phạm, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Có nhiều loại bạo lực như bạo lực súng đạn, bạo lực tình dục, ngược đãi trẻ em hoặc ngược đãi người cao tuổi. Những người sống sót sau khi phải hứng chịu các hành vi bạo lực có thể sẽ trải qua những tổn thất cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống.

Việc sống trong một môi trường bạo lực, an ninh không được đảm bảo sẽ có những tác động tiêu cực đến sức khỏe của cộng đồng. Nghiên cứu cho thấy việc gia tăng quan ngại về tình hình anh ninh ở khu vực cư trú cũng khiến sức khỏe thể chất và tinh thần bị giảm xuống đáng kể. Chính vì vậy, cần có những biện pháp can thiệp, giải quyết vấn đề tội phạm và bạo lực để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho cộng đồng.

Yếu tố an ninh cũng giúp đảm bảo tuổi thọ của chúng ta
Yếu tố an ninh cũng giúp đảm bảo tuổi thọ của chúng ta

Khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế

Chăm sóc sức khỏe là một yếu tố quan trọng, có nhiều ảnh hưởng đến tuổi thọ. Việc đi khám sức khỏe thường xuyên giúp nhận biết được tình trạng sức khỏe ngay từ sớm và phòng ngừa nguy cơ bệnh nặng thêm sau này. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng có thể giúp các cá nhân tiếp cận được các dịch vụ như khám tổng quát định kỳ, phẫu thuật hoặc các điều trị chuyên sau khác.

Tại Việt Nam, nhiều người Việt hiện nay vẫn còn quan niệm “phải đau mới đi khám”, nghĩa là bệnh đã biểu hiện ra ngoài thì mới gặp bác sĩ. Nguyên nhân mà mọi người thường đưa ra là do tài chính eo hẹp, việc di chuyển đến cơ sở y tế khó khăn, “sợ” đi khám là sẽ ra bệnh,… Nhiều người thường xuyên mua thuốc giảm đau ở quầy để điều trị các triệu chứng bệnh, và chỉ đi khám khi bệnh tình trở nặng. Có thể nói, thăm khám sức khỏe định kỳ là một quan niệm chưa phổ biến ở nước ta.

Người Việt Nam chưa có thói quen khám sức khoẻ tổng quát
Người Việt Nam chưa có thói quen khám sức khoẻ tổng quát