Xét nghiệm AFP là xét nghiệm được dùng để đo lường nồng độ Alpha-fetoprotein có trong máu. Đây là xét nghiệm thường được sử dụng trong tầm soát ung thư gan. Vậy xét nghiệm AFP là gì? Chỉ số AFP trong máu bao nhiêu là bình thường? Hãy cùng Doctor Check tìm hiểu nhé!
Chỉ số AFP là gì?
AFP là từ viết tắt của Alpha-fetoprotein. Đây là một một loại protein được tổng hợp ở hoàng thể, tế bào gan chưa trưởng thành và ống dạ dày – ruột của thai nhi. Thông thường, chỉ số AFP trong máu sẽ không quá cao, cụ thể là dưới 10 ng/mL ở người lớn.
Ở phụ nữ mang thai, AFP được tổng hợp ở hoàng thể, tế bào gan và ống dạ dày – ruột của bào thai sẽ được truyền qua nhau thai vào máu của người mẹ, làm chỉ số AFP ở người mẹ cũng gia tăng, thường bắt đầu tăng từ tuần thứ 14 của thai kỳ.
Ngoài ra, nồng độ AFP gia tăng cũng có thể là dấu hiệu của các khối u có nguồn gốc tế bào mầm, ung thư gan, ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn, bệnh lý viêm nhiễm ở gan,… Thông thường, chỉ số AFP được sử dụng để làm dấu ấn ung thư (marker ung thư) nhằm phát hiện sớm ung thư gan.
Chỉ số AFP trong máu bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số AFP dùng để định lượng nồng độ Alpha-fetoprotein trong máu. Thông thường, trong kết quả xét nghiệm, chỉ số AFP sẽ có đơn vị là ng/mL hoặc UI/mL (được quốc tế công nhận). Vậy chỉ số AFP bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số AFP bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số AFP bình thường là dưới 10 ng/mL ở người lớn và phụ nữ không mang thai.[1]
Tuỳ vào điều kiện phòng thí nghiệm của mỗi cơ sở y tế khác nhau mà khoảng giá trị bình thường cũng sẽ dao động theo. Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm có thể kể đến như hoá chất, máy móc hoặc do kỹ thuật viên.
Chỉ số AFP bao nhiêu là cao?
Chỉ số AFP được xem là cao khi ở trên mức 10 ng/mL, tức là vượt quá giới hạn thông thường (ở người lớn và phụ nữ không mang thai).
Ở người lớn và phụ nữ không mang thai, chỉ số AFP tăng cao có thể là biểu hiện của các loại ung thư, đặc biệt là ung thư gan.
Chỉ số AFP bao nhiêu là bị ung thư gan?
Chỉ số AFP vượt mức bình thường không đồng nghĩa với việc sẽ mắc ung thư gan. Để chẩn đoán chính xác bệnh lý ung thư gan thì cần phải kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng khác như siêu âm, CT-scan (chụp CT), MRI hoặc sinh thiết gan.
Chỉ số AFP phổ biến ở bệnh nhân ung thư gan:
- Ung thư gan nguyên phát: 50 – 500 ng/mL (giá trị tăng theo sự lan rộng của khối u).
- Ung thư gan di căn: Tăng cao nhưng không vượt quá 400 ng/mL.[1]
Chỉ số AFP khi mang thai bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số AFP bình thường khi mang thai không giống như ở người bình thường. Tùy vào tuổi thai mà nồng độ AFP trong máu của sản phụ sẽ thay đổi.
Xét nghiệm AFP trong thai kỳ dùng để tầm soát các dị tật bẩm sinh của thai nhi, thường được thực hiện ở tuần thai thứ 15 – 16 (trong tháng thứ 4 của thai kỳ).
Chỉ số AFP bình thường khi mang thai ở tuần thứ 15 đến tuần thứ 20 của thai kỳ sẽ nằm trong khoảng 10 – 150 ng/mL.[2]
Nguyên nhân chỉ số AFP tăng cao
Chỉ số AFP tăng cao bất thường liên quan đến một số bệnh lý như ung thư, khối u, các bất thường trong thai kỳ cũng như dị tật bẩm sinh của thai nhi.
Một số nguyên nhân chỉ số AFP tăng cao đó là:
- Ung thư tế bào gan tiên phát
- Các bệnh gan mật lành tính
- Ung thư đường tiêu hoá kèm theo hay không kèm theo di căn gan
- Ung thư khác
- Suy thai
- Các khuyết tật ống thần kinh của thai
- Đa thai
- Các nguyên nhân khác
Ung thư tế bào gan tiên phát
Ung thư tế bào gan tiên phát hay còn gọi là ung thư tế bào gan nguyên phát gồm ba loại chính: Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular carcinoma), Ung thư biểu mô đường mật (Cholangiocarcinoma) và U nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó, ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất, chiếm khoảng 80%.
Trong 70 – 95% trường hợp ung thư tế bào gan tiên phát, chỉ số AFP máu tăng cao và dao động khoảng 50 – 500 ng/mL. Do đó, AFP là dấu ấn ung thư quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư gan.[1]
Cô chú, anh chị có thể đọc thêm bài viết về ung thư gan tại bài viết:
Ung thư gan: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Các bệnh gan mật lành tính
Các bệnh gan mật lành tính cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng nồng độ AFP trong máu như xơ gan, suy tế bào gan, viêm gan (bao gồm cả viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính).
Ung thư đường tiêu hoá kèm theo hay không kèm theo di căn gan
Ngoài ung thư gan tiên phát, một số ung thư đường tiêu hóa khác cũng có thể gây tăng nồng độ AFP trong máu như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư tụy,…[3] Tuy nhiên, không thể lấy chỉ số AFP để chẩn đoán xác định các loại bệnh lý ung thư này.
Ung thư khác
Việc tăng nồng độ AFP trong máu không những chỉ liên quan đến ung thư gan, bệnh lý về gan mật, ung thư đường tiêu hoá, nó còn có thể đến từ một số loại ung thư khác.
Một số ung thư khác có thể liên quan đến tăng AFP:
- Ung thư tinh hoàn
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư thận
- Ung thư phổi
- Ung thư vú
- Ung thư tiền liệt tuyến
Tuy nhiên, các ung thư này sẽ được chẩn đoán bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, CT-scan (chụp CT) hay MRI. Việc xét nghiệm AFP thường chỉ có giá trị tham khảo cho chẩn đoán hoặc được sử dụng để theo dõi sự phát triển của ung thư tinh hoàn.[3]
Suy thai
Suy thai là tình trạng thai nhi không phát triển bình thường trong tử cung. Suy thai có thể làm tăng AFP do protein này được sản xuất chủ yếu bởi tế bào gan của thai nhi. Khi tế bào gan của thai nhi bị tổn thương hoặc bị suy giảm chức năng thì sự sản xuất AFP sẽ không bị ức chế, làm tăng nồng độ AFP trong huyết thanh của sản phụ.[4]
Các khuyết tật ống thần kinh của thai
Các khuyết tật ống thần kinh của thai (neural tube defects) bao gồm các vấn đề về não, tủy sống và các phần khác của hệ thần kinh, đặc biệt là không có bộ phận não và hộp sọ (anencephaly) và tật nứt đốt sống (spina bifida).
Xét nghiệm AFP nằm trong bộ ba xét nghiệm thực hiện khi thai nhi được 15 – 20 tuần (Triple test) nhằm sàng lọc khuyết tật ống thần kinh của bào thai.[2]
Đa thai
Trong trường hợp mang thai đa thai, nghĩa là có nhiều hơn một thai trong tử cung, các tế bào gan của mỗi thai có thể sản xuất AFP độc lập. Do đó, nồng độ AFP trong huyết thanh của mẹ có thể tăng cao hơn so với khi chỉ mang đơn thai.
Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác cũng có thể gây tăng nồng độ AFP trong máu thoáng qua dựa trên kinh nghiệm lâm sàng của các bác sĩ như tổn thương gan do chấn thương, bệnh tim, bệnh viêm khớp, bệnh thận đa nang, bệnh thận mạn tính,…
Nguyên nhân chỉ số AFP giảm ở phụ nữ mang thai
Chỉ số AFP giảm chỉ xảy ra ở thai kỳ, nghĩa là nằm dưới mức khuyến cáo theo tuổi thai từ tuần 15 – 20. Đây có thể là dấu hiệu của các bất thường trong thai kỳ. Một số nguyên nhân làm chỉ số AFP giảm trong thai kỳ đó là do hội chứng Down hoặc thai chết lưu.
Hội chứng Down
AFP là một chỉ số phổ biến được sử dụng để sàng lọc hội chứng Down của thai nhi. Chỉ số AFP của thai thấp hơn 25% so với mức bình thường trong thai kỳ có thể gợi ý thai nhi mắc hội chứng Down.[5]
Thai chết lưu
Trong trường hợp thai chết lưu, nồng độ AFP sẽ thấp hơn mức bình thường theo tuổi do sự giảm bài tiết AFP trong tế bào gan của bào thai. Tuy nhiên, việc giảm AFP không phải dấu hiệu chắc chắn để xác định thai chết lưu, cần được kiểm tra lại bằng siêu âm thai và các xét nghiệm khác.
Xét nghiệm AFP là gì?
Xét nghiệm AFP (AFP test) là xét nghiệm máu để định lượng nồng độ AFP có trong huyết thanh. AFP thường được sử dụng trong hỗ trợ chẩn đoán ung thư gan và phát hiện sớm một số vấn đề liên quan đến thai nhi trong giai đoạn thai kỳ.
Xét nghiệm AFP để làm gì?
Xét nghiệm AFP trong máu là một xét nghiệm thường dùng để phát hiện dị tật bẩm sinh của thai nhi và có thể thực hiện ở tuần thứ 15 – 16 của thai kỳ. Ngoài ra, xét nghiệm AFP cũng là một hạng mục thường thấy trong tầm soát ung thư gan và các bệnh lý về gan.
Sàng lọc trước khi sinh
Đối với sản phụ, xét nghiệm AFP máu được sử dụng để sàng lọc trước sinh (nằm trong triple test) nhằm phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe trong thai kỳ như khuyết tật ống thần kinh của thai, hội chứng Down, hội chứng Edward,…
Triple test còn gọi là xét nghiệm bộ ba là một xét nghiệm sinh hóa máu dùng để sàng lọc dị tật thai, dựa trên các kết quả của 3 chỉ số là AFP, hCG và estriol kết hợp với tuổi thai và siêu âm thai.
Triple test thường được thực hiện khi thai nhi được 15 – 20 tuần tuổi và kết quả chính xác nhất khi ở thai ở tuần thứ 16 – 18.
Tầm soát ung thư gan
AFP là dấu ấn ung thư (marker ung thư) được dùng trong tầm soát các dạng ung thư gan tiên phát, chủ yếu là ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular carcinoma).
Các quy định trong chẩn đoán và tầm soát ung thư biểu mô tế bào gan của Bộ Y tế Việt Nam được ban hành thông qua tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan năm 2020.
Tầm soát ung thư biểu mô tế bào gan bằng siêu âm bụng và xét nghiệm phối hợp các chỉ dấu sinh học (marker ung thư) là AFP, AFP-L3, PIVKA II.
Tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng một lần đối với nhóm nguy cơ cao và mỗi 3 tháng đối với nhóm nguy cơ rất cao.[6]
Khám tổng quát định kỳ
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ được khuyến nghị cho mọi người, nhằm phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe để kịp thời điều trị.
Tùy vào triệu chứng cũng như nguy cơ đối với các bệnh lý di truyền hoặc ung thư, bác sĩ có thể cho chỉ định thực hiện xét nghiệm AFP nếu nghi ngờ nguy cơ mắc các bệnh lý về gan, đặc biệt là ung thư gan.
Cách đọc kết quả xét nghiệm AFP
Đối với người trưởng thành, bao gồm nam giới và phụ nữ không mang thai, kết quả xét nghiệm AFP được thể hiện bằng đơn vị ng/mL.
Cách đọc kết quả xét nghiệm AFP sẽ được thể hiện như sau:
- Chỉ số AFP bình thường: Dưới 10 ng/mL
- Chỉ số AFP tăng: Trên 10 ng/mL
Thông thường, chỉ số AFP sẽ được sử dụng trong việc phát hiện ung thư gan. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định một số cận lâm sàng khác như siêu âm ổ bụng, CT-scan (chụp CT) bụng, MRI bụng, sinh thiết gan,…
Đối với phụ nữ mang thai từ tuần 15 – 20, kết quả xét nghiệm AFP ở mức bình thường sẽ dao động ở khoảng 10 – 150 ng/mL. Một số trường hợp các cơ sở y tế sẽ sử dụng thông số MoM (multiple of the median). Chỉ số AFP bình thường theo đơn vị MoM sẽ dao động từ 0.5 – 2.0 MoM.[7]
Lưu ý, các giá trị này chỉ mang tính chất tham khảo. Kết quả chẩn đoán chính xác sẽ được đánh giá bởi bác sĩ thông qua việc kết hợp với các cận lâm sàng khác như siêu âm thai, sinh thiết gai nhau, chọc ối,…
Cần chuẩn bị gì trước khi đi xét nghiệm AFP?
Để chuẩn bị cho xét nghiệm AFP, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn và chuẩn bị theo các hướng dẫn cụ thể của bệnh viện/phòng khám dạ dày, đại trực tràng thực hiện xét nghiệm. Dưới đây là một số lưu ý mà cô chú, anh chị có thể tham khảo trước khi thực hiện xét nghiệm AFP.
- Không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm: Bạn có thể ăn uống bình thường trước khi làm xét nghiệm, điều này không làm ảnh hưởng đến kết quả của chỉ số AFP trong máu.
- Trao đổi về toa thuốc đang sử dụng: Nên cung cấp toa thuốc đang sử dụng cho bác sĩ để được tư vấn về việc ngưng thuốc hoặc không ngưng thuốc trước khi xét nghiệm.
- Mặc đồ thoải mái: Mặc quần áo thoải mái để thuận tiện cho kỹ thuật viên thực hiện lấy mẫu máu xét nghiệm.
- Liên hệ trước với cơ sở y tế: Trước khi thực hiện xét nghiệm, bạn nên chủ động liên hệ với cơ sở y tế thực hiện để được tư vấn chính xác và hẹn lịch để thăm khám và thực hiện xét nghiệm.
Tìm hiểu thêm >> Doctor Check có tốt không?
Xét nghiệm AFP bao nhiêu tiền?
Hiện nay có nhiều cơ sở y tế công lập hoặc tư nhân có thể thực hiện xét nghiệm AFP với giá thành khá dễ tiếp cận với đại đa số người dân.
Tại Doctor Check hiện nay cũng có cung cấp dịch vụ xét nghiệm AFP. Đây là một hạng tầm soát ung thư gan – mật – tụy và tầm soát ung thư hệ tiêu hoá.
Giá xét nghiệm AFP tại phòng khám tiêu hóa Doctor Check hiện nay là 95.000 VNĐ.
Lưu ý, mức giá kể trên là mức giá được cập nhật mới tới ngày 25/05/2023. Để cập nhật mức giá mới nhất, cô chú, anh chị vui lòng nhấn vào: Bảng giá dịch vụ nội soi.
Trên đây là một số thông tin về chỉ số AFP máu, cũng như là về xét nghiệm AFP. Nếu cô chú, anh chị thấy thông tin trên hữu ích, hoặc có bất kỳ thắc mắc nào thì có thể để lại bình luận bên dưới nhé!
Câu hỏi thường gặp
Viêm gan B mạn chỉ số AFP trong máu có tăng không?
Viêm gan B mạn tính cũng có thể gây tăng AFP trong máu. Tuy nhiên, tăng AFP thường không được coi là biểu hiện phổ biến của viêm gan B mạn tính và có thể chỉ xuất hiện ở một số trường hợp.
Làm thế nào để giảm chỉ số AFP?
Việc giảm chỉ số AFP phụ thuộc vào nguyên nhân gây tăng chỉ số này và cách điều trị sẽ khác nhau tùy vào từng trường hợp cụ thể. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định cách tốt nhất để xác định cách giảm chỉ số AFP phù hợp với mỗi tình trạng bệnh lý.
Chỉ số AFP tăng khi nào?
Chỉ số AFP tăng bất thường liên quan liên quan đến một số bệnh lý về gan mật, ung thư gan, ung thư tinh hoàn, ung thư buồng trứng, khối u tế bào mầm, các bất thường trong thai kỳ cũng như dị tật bẩm sinh của thai nhi.
Tài liệu tham khảo
1. Hóa sinh lâm sàng, 2015, PGS.TS.BS Lê Xuân Trường, NXB Y học.
2. Alpha fetoprotein – statpearls – NCBI bookshelf. Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430750/ (Accessed: February 27, 2023).
3. “Alpha-fetoprotein in gastrointestinal cancer”, World Journal of Gastroenterology, 2013 Jul 28; 19(28): 4261-4269.
4. “Maternal Serum Alpha-Fetoprotein Screening in Pregnancy: A Review”, Journal of Clinical Gynecology and Obstetrics, 2014; 3(2): 54-59
5. Ross, H. (2017) Alpha-fetoprotein test: Purpose, procedure, and results, Healthline. Healthline Media. Available at: https://www.healthline.com/health/alpha-fetoprotein (Accessed: February 28, 2023).
6. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan, Bộ Y tế 2020, https://kcb.vn/phac-do/quyet-dinh-so-3129-qd-byt-ngay-17-thang-07-nam-2020-ve-viec-.html)
7. Lei, U., Wohlfahrt, J., Christens, P., Westergaard, T., Lambe, M., Nørgaard-Pedersen, B. and Melbye, M. (2004), Reproductive factors and extreme levels of maternal serum alpha-fetoprotein: a population-based study. Acta Obstetricia et Gynecologica Scandinavica, 83: 1147-1151. https://doi.org/10.1111/j.0001-6349.2004.00471.x