Hội chứng kém hấp thu

Hội chứng kém hấp thu là gì?

Hấp thu là giai đoạn ở giữa của tiêu hóa và chuyển hóa để từ thức ăn tạo ra các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các thực phẩm ăn vào được tiêu hóa bởi các men tiêu hóa của dạ dày và các tuyến tiêu hóa rồi đưa xuống ống tiêu hóa thành chất hấp thu được qua thành ruột vào máu, bạch mạch rồi được chuyển hóa thành sản phẩm cần thiết cho sự sống của mỗi cơ thể. Điều này cần sự tham gia của hệ thống ống tiêu hóa và các cơ quan như gan, tụy, … Hội chứng kém hấp thu xảy ra khi các chất dinh dưỡng không được hấp thu thật sự và tối đa trong suốt quá trình tiêu hóa. Về định nghĩa, hội chứng kém hấp thu là tình trạng cơ thể không có khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất từ đường tiêu hóa vào dòng máu. Đây không phải là một bệnh mà là hậu quả của một hoặc một số tình trạng bệnh lý khác

Kém hấp thu kéo dài làm cơ thể thiếu hụt các chất từ đa lượng đến vi lượng nên nếu không phát hiện và có biện pháp xử trí kịp thời sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể, suy giảm miễn dịch và các bệnh lý khác…

Các thành phần tham gia vào việc tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Ảnh minh họa sưu tầm
Các thành phần tham gia vào việc tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Ảnh minh họa sưu tầm

Hội chứng kém hấp thu có biểu hiện như thế nào?

Đặc điểm lâm sàng gồm triệu chứng tại ruột và triệu chứng ngoài ruột, triệu chứng tại ruột nổi bật trong trường hợp kém hấp thu nặng:

  • Tiêu chảy kéo dài, tiêu phân mỡ là đặc điểm thường gặp nhất. Tiêu chảy kéo dài là ít nhất 3 lần mỗi ngày trong hơn 4 tuần, phân lỏng và/hoặc lượng phân đi tiêu nhiều hơn 200g/ngày. Thường xuyên đi tiêu ban ngày lẫn ban đêm, lượng nhiều và nhiều nước là dấu hiệu phân biệt của hội chứng kém hấp thu rõ. Do rối loạn hấp thu điện giải, nước và carbohydrate hoặc do kích thích bởi acid béo không được hấp thu. Không hấp thu acid béo khiến đầy bụng, đầy hơi và cảm giác khó chịu vùng bụng. Đau quặn bụng thường gợi ý đoạn ruột nghẽn tắc như bệnh Crohn, nhất là khi đau vẫn còn sau khi đi tiêu.
  • Thay đổi về cân nặng: Sự hấp thu năng lượng không đầy đủ sẽ dẫn đến tình trạng giảm cân ở người lớn khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược mặc dù đã tăng nhập qua đường miệng.
  • Chậm phát triển, dậy thì muộn ở trẻ em.
  • Thiếu máu thường do thiếu sắt, acid folic và vitamin B12 .
  • Chuột rút do giảm hấp thu vitamin D, can-xi.
  • Dễ bị chảy máu do thiếu vitamin K và các yếu tố đông máu khác.
  • Phù do suy dinh dưỡng và mất protein.
Tiêu chảy kéo dài, tiêu phân mỡ là triệu chứng thường gặp nhất. Ảnh minh họa sưu tầm
Tiêu chảy kéo dài, tiêu phân mỡ là triệu chứng thường gặp nhất. Ảnh minh họa sưu tầm

Nguyên nhân gây ra hội chứng kém hấp thu

Hội chứng kém hấp thu không phải một bệnh lý mà là hậu quả của các bệnh lý khác nhau. Việc xác định nguyên nhân của hội chứng này không dễ và cần thực hiện một quá trình hỏi bệnh, thăm khám và sàng lọc kĩ lưỡng. Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây hội chứng kém hấp thu được liệt kê dưới đây:

  • Nguyên nhân từ niêm mạc:
    • Bệnh ảnh hưởng đến khả năng hấp thu như: Celiac, bệnh viêm ruột
    • Bất dung nạp lactose trong sữa bò, sữa đậu nành, fructose, dị ứng gluten
    • Giảm bề mặt hấp thu do quá trình phẫu thuật cắt đoạn lớn ruột
  • Nguyên nhân từ hệ tiêu hóa:
    • Thiểu năng tuyến tụy
    • Bệnh xơ nang (Cystic fibrosis)
    • Viêm tụy mạn tính
    • Ung thư tụy
    • Hội chứng Zollinger-Ellison
    • Giảm tiết dịch mật, do vàng da tắc mật hoặc bệnh của hồi tràng cuối. Các bệnh về gan mật làm giảm tiêu hoá lipid kéo theo không hấp thu đầy đủ các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin E, D, A, K…
  • Nguyên nhân ngoài đường tiêu hóa:
    • Bệnh cường giáp
    • Bệnh nhược giáp (suy giáp)
    • Bệnh Addison
    • Bệnh tiểu đường
    • Bệnh cường cận giáp
    • Bênh suy tuyến cận giáp
    • Hội chứng Carcinoid
    • Suy dinh dưỡng
    • Các bệnh collagen
    • Các chứng rối loạn ăn uống
    • Tiêu chảy do lạm dụng thuốc xổ

Hội chứng kém hấp thu gây biến chứng gì?

Nếu không bổ sung đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như sau:

  • Tăng khả năng bị nhiễm trùng
  • Dễ bị loãng xương và gãy xương
  • Đối với trẻ em sẽ xuất hiện tình trạng chậm tăng cân, chậm phát triển tâm thần vận động dẫn đến cản trở sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể của trẻ
  • Sụt cân, mất nước
  • Thiếu các loại vitamin cần thiết cho cơ thể lâu ngày dẫn đến thiếu máu, giảm trí nhớ và chân tay bị tê bì
  • Một số vi chất như vitamin A và kẽm là thành phần quan trọng trong việc chuyển hóa và tạo ra hệ miễn dịch khỏe mạnh

Cận lâm sàng chẩn đoán hội chứng kém hấp thu

Hội tiêu hóa thế giới đã đưa ra hướng dẫn cho việc chẩn đoán chứng kém hấp thu

  • Các xét nghiệm máu
    • Công thức máu
    • Tốc độ lắng máu, ESR, CRP
    • Định lượng vitamin B12
    • Hồng cầu lưới
    • Sắt huyết thanh
    • Xét nghiệm đông máu (gồm PT (INR), aPTT, xét nghiệm fibrinogen) để xác định tình trạng thiếu vitamin K
    • Albumin huyết thanh
    • Can-xi máu
    • Kháng thể Anti-endomyseal, anti-reticulin và alpha-gliadin antibodies (sàng lọc celiac)
    • Magie huyết thanh
    • Thiếu sắt sẽ dẫn đến hồng cầu nhỏ. Thiếu Folat hoặc vitamin B12 gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu to nhưng bệnh cảnh có thể xảy ra cả 2 dạng trên đồng thời
  • Phân
    • Có thể phân lập vi khuẩn trong phân
    • Test sudan để thử giọt mỡ
    • Xét nghiệm thử chức năng kích thích bài tiết – ví dụ như thử chất elastase hoặc chymotrypsin trong phân
  • Chẩn đoán hình ảnh và nội soi
    • Siêu âm bụng (túi mật, gan, lá lách, thành ruột, hạch bạch huyết).
    • X quang lưu thông ruột non cản quang với Barium có thể cho thấy các vấn đề bất thường về cấu trúc.
    • Nội soi kèm sinh thiết đại tràng và đoạn cuối hồi tràng.
    • Chụp CT, MRI mật tụy hoặc chụp mật tụy qua nội soi mật tụy ngược dòng.
  • Kiểm tra nồng độ hydro trong hơi thở: lấy mẫu xét nghiệm hơi thở trước, sau đó cho bệnh nhân sử dụng glucose và tiến hành lấy thêm mẫu hơi thở sau mỗi lần nghỉ nửa giờ. Nếu có chứng quá phát vi khuẩn, lượng hydrogen khi thở ra sẽ tăng nhiều hơn sau khi ăn khoảng một giờ.

Xem thêm >> INR là gì, có ý nghĩa nào quan trọng?

Điều trị hội chứng kém hấp thu

  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng
    • Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ hỗ trợ làm lành các tổn thương vi thể và đại thể của ruột
    • Đảm bảo khẩu phần ít chất xơ, chất béo và sữa, thiên về nhiều chất lỏng, hạn chế ăn đặc.
    • Áp dụng chế độ ăn theo nguyên tắc: Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Không ăn lượng quá nhiều trong một bữa vì có thể dẫn đến làm giảm nhu động ruột và ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thu của ruột.
    • Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.
    • Ăn nhiều carbohydrate dạng phức như gạo, bột yến mạch, bột, mì ống…
    • Bổ sung đủ nước 2 đến 2.5 lít nước lọc hoặc nước trái cây.
    • Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo như bơ, bơ thực vật, thức ăn chiên xào, thịt mỡ, dầu ăn, sô-cô-la…
    • Không tiêu thụ sản phẩm từ sữa và lúa mì, sản phẩm có chứa caffein, sản phẩm thịt và các loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt loại có chứa nhiều phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên có thể ăn bổ sung sữa chua vì thành phần sữa đã lên men cung cấp thêm hệ vi khuẩn khỏe mạnh cho đường ruột.
  • Các biện pháp khác
    • Vệ sinh cá nhân, tránh các yếu tố nhiễm khuẩn
    • Tăng cường thể dục thể thao
    • Bổ sung các chế phẩm tăng cường hệ miễn dịch
  • Tầm soát và điều trị triệt để nguyên nhân gây hội chứng kém hấp thu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cắt đứt nguyên nhân gây tổn thương khả năng hấp thu sẽ tạo điều kiện cho việc điều trị cũng như phục hồi của ruột.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

33 + 45 = ?

Chia sẻ nội dung: