Viêm dạ dày hay còn gọi là đau bao tử/đau dạ dày là bệnh lý đường ruột phổ biến, đặc biệt là ở đường tiêu hóa trên, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Viêm dạ dày được chia thành hai giai đoạn là cấp tính và mạn tính, nếu các triệu chứng của bệnh được phát hiện và chẩn đoán sớm, viêm dạ dày có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Nếu tình trạng viêm kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, đây còn có thể là dấu hiệu bạn đầu của các bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng về sau.
Vậy làm thế nào để Cô Bác, Anh Chị chủ động phòng tránh và can thiệp hiệu quả nếu mắc bệnh lý viêm dạ dày? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán, cách điều trị và biện pháp phòng tránh viêm dạ dày ngay sau đây.
Tổng quan về bệnh viêm dạ dày ruột
Bệnh viêm dạ dày ruột xảy ra khi lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây ra những triệu chứng cấp tính hoặc mạn tính như đau thượng vị, ợ nóng,…
Viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày hoặc đau bao tử (tên tiếng Anh: gastritis) là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm, gây ra những cơn đau vùng thượng vị, ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, đầy hơi,… Viêm dạ dày ban đầu thường nhẹ nhưng nếu chủ quan sẽ sinh ra các bệnh lý nguy hiểm như viêm dạ dày mạn tính, xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, thủng dạ dày, ung thư dạ dày.
Bệnh viêm dạ dày ruột có mấy loại?
Dựa theo thời gian bệnh tiến triển, bệnh viêm dạ dày ruột được chia thành hai giai đoạn bao gồm viêm dạ dày cấp và viêm dạ dày mạn tính.
- Viêm dạ dày cấp tính là tình trạng sưng hoặc viêm niêm mạc dạ dày đột ngột và gây ra các cơn đau dữ dội. Bệnh có đặc tính khởi phát, diễn biến nhanh và gây biến chứng nguy hiểm nhưng có thể nhanh chóng kiểm soát nếu được điều trị đúng cách. Nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột cấp tính có thể do nhiễm khuẩn hoặc lạm dụng thuốc tây, uống nhiều rượu bia, nghiện thuốc lá, căng thẳng kéo dài,… Viêm dạ dày cấp tính có thể do bệnh viêm trợt dạ dày – là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm và xuất hiện các vết xước nhẹ.
- Viêm dạ dày mạn tính là tình trạng viêm dạ dày trong thời gian dài thường do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra. Bệnh thường có diễn tiến tốt khi được điều trị đúng phác đồ và liên tục. Viêm dạ dày mạn tính có mối liên quan với loét dạ dày – tá tràng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Do đó, cần chú ý điều trị và theo dõi diễn tiến của bệnh viêm dạ dày mạn tính.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân viêm dạ dày là gì?
Nguyên nhân gây viêm dạ dày là gì?
Các nguyên nhân viêm dạ dày thường phụ thuộc nhiều vào thói quen sinh hoạt, nhiễm khuẩn đường ruột, stress, lạm dụng thuốc kháng sinh và sử dụng quá nhiều rượu bia. Xác định chính xác nguyên nhân bị viêm dạ dày có vai trò quan trọng giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị viêm dạ dày phù hợp nhất.
Sau đây là 6 nguyên nhân đau dạ dày phổ biến nhất:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Do nhiễm khuẩn
- Yếu tố tâm lý
- Lạm dụng thuốc tây
- Không dung nạp Gluten
- Do ảnh hưởng của các bệnh lý khác
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh, thói quen ăn uống thiếu khoa học, không hợp lý là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý ở dạ dày, đặc biệt là bệnh viêm dạ dày ruột.
Một số thói quen ăn uống thiếu khoa học như:
- Ăn uống không điều độ, ăn không đúng bữa hoặc ăn quá khuya.
- Ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
- Ăn nhiều đồ chua, đồ cay nóng, đồ nhiều dầu mỡ thường xuyên sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương, lâu dần, axit dạ dày sẽ gây ra các vết loét ở vùng niêm mạc bị tổn thương, gây ra các cơn đau bao tử.
- Vừa ăn vừa làm việc khác như xem tivi, đọc sách, chơi game, học bài,…
- Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm bẩn, ôi thiu,…
- Uống nhiều rượu bia khiến lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá hủy, và gây biến chứng viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết dạ dày,…
- Chất nicotine có trong thuốc lá gây ảnh hưởng trực tiếp đến bài tiết acid HCl và pepsin trong dạ dày. Hút thuốc lá nhiều khiến niêm mạc dạ dày bị bào mòn và tổn thương nghiêm trọng, gây các cơn đau mạn tính cho người bệnh.
Tất cả các thói quen ăn uống không khoa học đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày và hệ tiêu hóa. Vì thế cần xây dựng thói quen ăn uống điều độ, hợp lý để bảo vệ sức khỏe tiêu hóa của Cô Bác, Anh Chị.
Do nhiễm khuẩn
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm dạ dày có thể đến từ nhiều loại vi khuẩn, virus, nấm bên trong đường ruột, gây nên tình trạng viêm loét dạ dày gây đau rát, tổn thương lớp niêm mạc, có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.
Trong đó, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm dạ dày. Khuẩn Hp là loại vi khuẩn duy nhất có thể sống sót trong môi trường có nồng độ axit đậm đặc của dạ dày và chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống. Chúng sinh sống và tiết độc tố gây viêm nhiễm và làm teo thành niêm mạc dạ dày.
Yếu tố tâm lý
Tâm lý căng thẳng, áp lực kéo dài làm tăng nguy cơ viêm dạ dày cấp ở mọi người. Khi bị căng thẳng, hoạt động co bóp và tiết dịch của dạ dày tăng làm mất cân bằng dẫn đến tự bào mòn niêm mạc gây viêm loét dạ dày.
Không dung nạp gluten
Gluten là một họ các protein tìm thấy trong ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì spenta,… Hội chứng không dung nạp gluten có thể gây ra tình trạng rối loạn tự miễn dịch. Tình trạng này sẽ khiến ruột non giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và gây các cơn đau dạ dày cùng một số triệu chứng khác như mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu,…
Lạm dụng thuốc tây
Người bệnh lạm dụng thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) và thuốc kháng sinh liều cao gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong dạ dày, khiến dạ dày bị tổn thương dẫn đến nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày,…
Do ảnh hưởng của các bệnh lý khác
Một số bệnh lý tiêu hóa khác cũng có thể ảnh hưởng đến lớp niêm mạc và hoạt động co bóp của dạ dày khiến Cô Bác, Anh Chị bị đau bao tử như bệnh về tuyến giáp, sỏi mật, hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh Crohn, trào ngược dạ dày – thực quản,…
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày ruột cấp tính lẫn mạn tính đều có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh viêm dạ dày bao gồm:
- Trẻ em: Hệ tiêu hóa của trẻ em chưa phát triển toàn diện, chế độ ăn uống không khoa học, ăn ngủ thất thường khiến hệ tiêu hóa gặp vấn đề và dẫn đến tình trạng viêm dạ dày ruột.
- Phụ nữ mang thai: Thai nhi phát triển sẽ tạo áp lực lên dạ dày của người mẹ, dẫn đến trào ngược hay cơn đau thường xuyên xuất hiện. Ngoài ra, mẹ bầu dễ bị căng thẳng, ốm nghén, thèm đồ ăn chua cay,… cũng dẫn đến tỷ lệ bị viêm dạ dày cấp cao hơn.
- Tính chất nghề nghiệp: Do tính chất công việc, người bệnh thường xuyên thức đêm, ăn uống không điều độ, áp lực công việc,… khiến mắc các bệnh lý về dạ dày.
- Rượu bia và thuốc lá: Uống nhiều rượu bia, thức uống chứa cồn hoặc bị nghiện thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm dạ dày
Người bị đau dạ dày sẽ thường cảm thấy đau âm ỉ và khó chịu vô cùng. Khi người bệnh viêm dạ dày ăn quá no hoặc quá đói đều có thể xuất hiệu dấu hiệu đau. Nếu người bệnh làm việc quá sức hay cảm thấy căng thẳng thì các cơn đau sẽ xuất hiện. Tâm trạng thất thường của người bệnh cũng khiến cho tình trạng đau càng tăng lên.
Các triệu chứng viêm dạ dày là gì?
Các triệu chứng viêm dạ dày thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với biểu hiện của các bệnh lý tiêu hóa khác. Tuy nhiên, nếu niêm mạc dạ dày bị tổn thương, Cô Bác, Anh Chị có thể xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu viêm dạ dày sau đây:
- Đau thượng vị (vùng trên rốn, có thể lệch trái)
- Ợ nóng, ợ hơi hoặc ợ chua
- Khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng
- Buồn nôn và nôn
- Chán ăn, mất khẩu vị
- Xuất huyết tiêu hóa
Đau vùng thượng vị
Cảm giác đau hay nóng rát vùng thượng vị là triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày điển hình nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể đau vùng giữa hoặc bên trái bụng và/hoặc nhanh chóng lan đến vùng khác như đau ngực, lưng. Những cơn đau xuất hiện nhiều khi cơ thể cảm thấy đói hoặc sau khi ăn no.
- Đối với bệnh nhân bị viêm dạ dày tá tràng, cơn đau thượng vị thường xuất hiện vào các bữa ăn hoặc theo chu kỳ.
- Đối với bệnh nhân ung thư dạ dày, các cơn đau bụng không theo chu kỳ mà kéo dài liên miên (đau bụng mãn tính).
- Đối với bệnh nhân bị loét tá tràng, cơn đau thường xuất hiện khi đói.
- Đối với bệnh nhân bị loét dạ dày, khi ăn sẽ có cảm giác đau vùng thượng vị, nhưng thường không đau khi đói.
- Đặc biệt cơn đau của viêm dạ dày cấp thường biểu hiện rõ hơn khi ăn hay uống những thứ như: rượu, bia, rượu vang trắng, món ăn cay, chua, ngọt,…
Ợ nóng hoặc ợ chua
Rối loạn chức năng dạ dày có thể cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn và dẫn tới tình trạng thức ăn lên men, từ đó sinh ra cảm giác đầy bụng, ợ chua, ợ hơi. Đây cũng là một trong nhiều triệu chứng của bệnh viêm dạ dày. Khi dạ dày tăng tiết dịch, mất cân bằng pH dạ dày, cũng dẫn đến bênh trào ngược dạ dày – thực quản gây nên ợ chua.
Khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng
Khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng sau bữa ăn có thể là dấu hiệu viêm dạ dày ở mức độ nhẹ. Khi dạ dày bị tổn thương, việc hoạt động tiêu thụ thức ăn của dạ dày kém, thức ăn tồn đọng trong bao tử khiến người bệnh cảm thấy đầy bụng, khó chịu.
Khi xuất hiện các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng, người bệnh nên:
- Theo dõi các dấu hiệu bệnh lý
- Đi khám sức khỏe để tìm ra nguyên nhân để có biện pháp điều trị kịp thời
Buồn nôn và nôn
Niêm mạc bị tổn thương gây ra viêm dạ dày. Các cơn đau bao tử nhẹ đi kèm cảm giác chán ăn và buồn nôn. Thức ăn vào dạ dày không tiêu hóa được sẽ trào ngược từ dạ dày đẩy lên miệng khiến người bệnh nôn ói.
Mặt khác, triệu chứng buồn nôn và nôn còn có thể xảy ra bởi nhiều tác động khác từ bên ngoài như:
- Ngộ độc thực phẩm
- Say tàu, xe hoặc máy bay
- Rối loạn tâm lý
Chán ăn, mất khẩu vị
Tình trạng đầy bụng và khó tiêu do chức năng dạ dày suy yếu có nguy cơ dẫn đến mất khẩu vị, chán ăn, đắng miệng. Từ đó, cơ thể không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng sẽ dần trở nên mệt mỏi, suy nhược.
Tuy vậy, chán ăn và suy nhược cơ thể cũng có khả năng liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác của gan, tâm lý, thần kinh hoặc thận. Cô Bác, Anh Chị nên tìm hiểu nguyên nhân gây nên những triệu chứng này để điều chỉnh lại chế độ ăn uống phù hợp.
Xuất huyết tiêu hóa
Chảy máu đường tiêu hóa là tình trạng máu chảy từ thành mạch máu trong ống tiêu hóa và chỉ xuất hiện khi các triệu chứng của viêm niêm mạc dạ dày đã phát triển đến giai đoạn nghiêm trọng.
Những triệu chứng chảy máu đường tiêu hóa thường gặp bao gồm: nôn ra máu (màu đỏ tươi hoặc máu đen), máu có trong phân (đi ngoài ra máu) hoặc tiêu ra phân đen. Tình trạng xuất huyết tiêu hóa kéo dài sẽ khiến người bệnh cảm thấy choáng váng, hoa mắt, tụt huyết áp,… Trong tình trạng mất máu cấp, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để có thể cấp cứu kịp thời.
Xuất huyết tiêu hóa có thể là biểu hiện của các bệnh lý tiêu hóa như viêm dạ dày cấp do dùng thuốc, dạ dày tá tràng bị loét, tĩnh mạch thực quản bị vỡ do bệnh gan,… Nghiêm trọng hơn, đây có thể là dấu hiệu của ung thư thực quản, dạ dày hoặc ung thư tá tràng.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Viêm dạ dày cấp là bệnh lý phổ biến, nếu bệnh lý tiến triển thành mạn tính sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bác sĩ khuyến khích người bệnh nên đi đến bệnh viện, phòng khám dạ dày nếu gặp các triệu chứng sau:
- Cơn đau vùng thượng vị kéo dài và tái phát liên tục.
- Cường độ đau cũng như tần suất tái phát càng lúc càng tăng theo thời gian.
- Tình trạng nôn xuất hiện và có xu hướng kéo dài.
- Nôn ra máu.
- Đau bụng kèm sốt, chóng mặt, khó thở.
- Phân có màu đen hắc ín.
- Trẻ nhỏ quấy, khóc, bỏ ăn và có hiện tượng đầy hơi, chướng bụng.
Bác sĩ sẽ thực hiện khám và chỉ định cận lâm sàng cần thiết nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày ruột, hướng dẫn các biện pháp giúp giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh và điều trị bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng trên, bác sĩ khuyến cáo Cô Bác, Anh Chị nên đăng ký khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư dạ dày để phát hiện sớm các triệu chứng và có phương pháp can thiệp kịp thời.
ĐẶT LỊCH KHÁM ĐAU DẠ DÀY VỚI BÁC SĨ TIÊU HÓA
Nếu Quý khách đang bị đau dạ dày hoặc gặp các triệu chứng như trên, hãy đặt lịch khám với bác sĩ Doctor Check để được khám và tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, tránh kéo dài dai dẳng.
Phương pháp chẩn đoán viêm dạ dày
Quy trình chẩn đoán viêm dạ dày được thực hiện qua hai bước là khám lâm sàng và cận lâm sàng chẩn đoán. Bác sĩ sẽ thực hiện khám sức khỏe tổng quát, thu thập thông tin về tiền sử bệnh cũng như các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh viêm niêm mạc dạ dày của Cô Bác, Anh Chị. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định các phương tiện cận lâm sàng chẩn đoán để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Khám lâm sàng
Bác sĩ tại sẽ thăm khám tổng quát và hỏi chi tiết về tình trạng bệnh cũng như bệnh sử của Cô Bác, Anh Chị và người thân để định hướng chẩn đoán. Một số câu hỏi thường được sử dụng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm dạ dày bao gồm:
- Các triệu chứng bệnh đã xuất hiện bao lâu?
- Mức độ của các cơn đau dạ dày như thế nào?
- Cơn đau kéo dài bao lâu và tần xuất xuất hiện ra sao?
- Cô Bác thường cảm thấy đau ở vị trí nào (vùng thượng vị, bụng dưới, bụng trái hay bụng phải), cơn đau có lan sang các bộ phận khác như lưng, vai không?
- Cô Bác thường bị đau dạ dày trước hay sau khi ăn?
- Có yếu tố nào làm tăng hoặc giảm các cơn đau dạ dày không?
- Cô Bác có sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc gặp căng thẳng, lo lắng thời gian gần đây không?
Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm khác nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh, phân loại viêm dạ dày cấp hay mạn tính và mức độ của bệnh để có hướng điều trị thích hợp và hiệu quả.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Để xác định nguyên nhân gây bệnh và phân loại viêm niêm mạc dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện một hoặc nhiều cận lâm sàng như xét nghiệm, nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh.
Xét nghiệm
Một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây tình trạng viêm dạ dày, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Giúp chẩn đoán người bệnh có dương tính với vi khuẩn Hp hay không, nhờ vậy xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, đánh giá các chỉ số hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu.
- Xét nghiệm phân: Cần lấy phân để soi tươi, nuôi cấy, phân lập xác định nguyên nhân gây bệnh. Vi khuẩn Hp nếu tồn tại trong dạ dày chúng sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể qua phân. Do đó, phương pháp xét nghiệm phân để tìm vi khuẩn Hp cũng mang lại kết quả chính xác.
- Test hơi thở: xét nghiệm vi khuẩn Hp qua hơi thở giúp phát hiện sự có mặt của vi khuẩn Hp trong dạ dày hoặc ruột non.
Nội soi ống tiêu hóa
Bác sĩ có thể chỉ định nội soi dạ dày có hoặc không có sinh thiết nhằm mục đích xác định nguyên nhân của các triệu chứng, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về dạ dày.
Doctor Check là phòng khám nội soi dạ dày tại TPHCM hiếm hoi chuyên sâu chẩn đoán các bệnh lý về tiêu hóa, đặc biệt là tầm soát ung thư dạ dày. Cô chú, anh chị đặt lịch ngay với bác sĩ tại Doctor Check để được tư vấn chi tiết về triệu chứng, bệnh lý tiêu hóa đang mắc phải.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang: Để chẩn đoán viêm dạ dày, người bệnh được uống một lượng bari vừa đủ, sau đó tiến hành chụp X-quang từ đó xác định được vị trí (như thân vị, hang vị dạ dày) và mức độ tổn thương của niêm mạc dạ dày. Phương pháp này thường được sử dụng trong trường hợp người bệnh không hợp tác thực hiện nội soi dạ dày.
Biến chứng viêm dạ dày
Thời gian đầu, bệnh viêm dạ dày tá tràng cấp thường nhẹ, không xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm và người bệnh có thể chịu đựng các cơn đau, dẫn đến tình trạng người bệnh thường chủ quan. Tuy nhiên, theo thời gian, các triệu chứng sẽ tiến triển nặng và có nguy cơ dẫn đến một số biến chứng viêm dạ dày nguy hiểm như:
- Viêm dạ dày mạn tính: Viêm dạ dày mạn tính có mối liên hệ với loét dạ dày, là nguyên nhân chính gây hình thành khối u, polyp dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
- Xuất huyết dạ dày: Đây là biến chứng của tình trạng viêm dạ dày cấp và mạn tính gây ra nếu bệnh nhân không có một chế độ ăn uống phù hợp và sớm tìm nơi điều trị. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị mất quá nhiều máu do xuất huyết dạ dày cũng có thể dẫn đến tử vong.
- Hẹp môn vị: Môn vị là đoạn nối giữa dạ dày và tá tràng. Hẹp môn vị dẫn đến lưu thông thức ăn và dịch dạ dày xuống tá tràng gặp khó khăn. Hậu quả là dạ dày bị dãn to, dịch và thức ăn ứ đọng ở dạ dày. Hẹp môn vị gây rối loạn chuyển hóa nước điện giải, toàn thân suy kiệt và đòi hỏi can thiệp phẫu thuật để điều trị.
- Thủng dạ dày: Đây được coi là một biến chứng nguy hiểm do tình trạng viêm dạ dày kéo dài gây ra. Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương lâu ngày, nếu không được điều trị đúng cách lâu dần thành dạ dày sẽ ngày càng mỏng và bị loét. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể sẽ dẫn tới tử vong.
- Ung thư dạ dày: Đau bao tử do nhiễm vi khuẩn Hp có khả năng biến chứng thành ung thư nếu không được điều trị. Do đó, nếu người bệnh nhiễm vi khuẩn Hp cần được điều trị diệt vi khuẩn Hp triệt để và tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ giúp phát hiện các triệu chứng ung thư giai đoạn sớm ở hệ tiêu hóa.
Phương pháp điều trị viêm dạ dày
Phác đồ điều trị viêm dạ dày phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh. Một số cách chữa bệnh viêm dạ dày thường được các bác sĩ chỉ định như sử dụng thuốc điều trị, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt,…
Các nhóm thuốc trị viêm dạ dày phổ biến
Đối với các trường hợp phát hiện bệnh viêm dạ dày giai đoạn sớm, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc trị viêm dạ dày. Điều trị viêm dạ dày chủ yếu dùng thuốc đặc trị, kết hợp với rèn luyện thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
Một số loại thuốc điều trị viêm dạ dày thường được sử dụng như:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): đây là chất kháng axit được kê đơn phổ biến nhất để điều trị chứng ợ nóng và các rối loạn axit. Chúng giúp người bệnh kiểm soát và giảm sản xuất dịch vị trong dạ dày.
- Thuốc kháng axit dạ dày (antacid): giúp trung hòa axit trong dạ dày, có thể giảm đau nhanh chóng. Loại thuốc này được sử dụng trong việc điều trị hầu hết các bệnh liên quan tới dạ dày như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày – tá tràng. Một số loại thuốc kháng axit có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc đôi khi là các vấn đề về thận.
- Thuốc kháng Histamin H2 (Thuốc chẹn H2): Histamin là chất trung gian tác động lên thụ thể H2 tại tế bào thành trên niêm mạc dạ dày làm tăng tiết axit dạ dày. Các thuốc trong nhóm này giúp ức chế cạnh tranh với Histamin tại thụ thể H2, nhờ đó ngăn chặn sự bài tiết axit làm giảm lượng axit dịch vị dạ dày.
- Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn Hp: bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn Hp nếu xác định viêm dạ dày là do nhiễm khuẩn Hp.
- Thuốc giảm đau: các loại thuốc giảm đau thường được dùng trong các trường hợp viêm dạ dày từ mức độ trung bình đến nặng, bao gồm Ibuprofen, Acetaminophen hay Aspirin.
- Thuốc chống co thắt dạ dày: Thuốc có tác dụng giảm cơn đau và các triệu chứng do dạ dày co thắt quá mức.
Lưu ý:
- Cô Bác, Anh Chị cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Nếu nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp, để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Một số biện pháp tại nhà như thay đổi lối sống, chế độ ăn uống khoa học, hợp lí có thể giúp Cô Bác, Anh Chị hỗ trợ quá trình điều trị viêm dạ dày và làm giảm các triệu chứng như:
- Ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ bữa chính thành nhiều bữa phụ trong ngày.
- Tuân thủ các quy tắc dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm chọn mua.
- Để ý những thay đổi của cơ thể sau khi dùng bất kỳ thực phẩm nào.
- Uống nhiều nước lọc, hạn chế thức uống chứa cồn hoặc nước ngọt.
- Rửa tay kỹ trước khi ăn.
- Kiểm soát những vấn đề căng thẳng, áp lực.
Những điểm cần lưu ý
Những lưu ý về bệnh viêm dạ dày ruột
Sau đây là một số lưu ý bệnh viêm dạ dày ruột được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Doctor Check chia sẻ:
- Viêm dạ dày hay đau bao tử là tình trạng niêm mạc của dạ dày bị tổn thương, viêm loét, dẫn đến những cơn đau âm ỉ và khó chịu cho người bệnh.
- Vị trí đau dạ dày thường xuất hiện ở vùng thượng vị, vùng bụng giữa và vùng bụng phía trên bên trái hoặc bên phải.
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm dạ dày có thể là do nhiễm vi khuẩn Hp, lạm dụng thuốc và thói quen sinh hoạt, ăn uống không hợp lý.
- Một số triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của viêm dạ dày gồm đau vùng thượng vị, ợ nóng, ợ hơi hoặc ợ chua, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn và nôn.
- Đau vùng thượng vị chính là triệu chứng điển hình của bệnh viêm dạ dày: cơn đau có thể dữ dội, hay cồn cào, nóng rát, có khi âm ỉ, cảm giác khó chịu,… đặc biệt đau rõ hơn khi sử dụng các loại thực phẩm như: rượu, bia, rượu vang trắng, món ăn cay, chua, ngọt.
- Trẻ em và phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc bệnh viêm dạ dày.
- Điều trị viêm dạ dày chủ yếu là dùng thuốc, kết hợp với rèn luyện thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư dạ dày định kỳ theo chỉ định của bác sĩ ở người bệnh có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư dạ dày.
Người bị viêm dạ dày nên làm gì?
Viêm dạ dày nhẹ có khả năng tự khỏi mà không cần can thiệp y tế, tuy nhiên, Cô Bác, Anh Chị cũng nên đến gặp bác sĩ tại phòng khám nội soi dạ dày để được tư vấn và chẩn đoán chính xác hơn, phòng ngừa trường hợp bệnh tiến triển nặng.
Bên cạnh đó, có một số biện pháp khắc phục có thể giúp nhanh chóng thoát khỏi những cơn đau khó chịu này. Sau đây là một số phương pháp giúp người bị viêm dạ dày nên làm để làm giảm các triệu chứng đau dạ dày:
- Nằm nghiêng bên phải: Vị trí của dạ dày là ở bên trái khoang bụng. Do đó, nếu Cô Bác, Anh Chị nằm nghiêng bên trái, dịch dạ dày rất dễ trào ngược lên thực quản và gây viêm loét. Ngoài ra, khi bị đau bao tử, tư thế nằm như vậy có nguy cơ gia tăng thêm áp lực ở dạ dày, khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Làm ấm bụng: Khi hơi nóng lan tỏa khắp bụng sẽ làm tăng lưu thông tuần hoàn máu, từ đó giảm cơn co thắt dạ dày và cảm giác đau dạ dày sẽ giảm đi đáng kể.
- Tránh dùng chất kích thích: Khi uống quá nhiều hoặc uống các loại rượu có nồng độ cồn cao sẽ làm cho nồng độ cồn và dịch vị trong dạ dày tăng cao, gây kích thích niêm mạc dạ dày, khiến cơn đau dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến vùng niêm mạc dạ dày và ngăn cản không cho dạ dày bài tiết ra chất nhầy.
- Bổ sung nước cho cơ thể: Triệu chứng nôn và tiêu chảy kèm theo đau dạ dày có thể gây nên tình trạng mất nước. Mất nước không chỉ khiến lượng dịch trong cơ thể hao hụt mà còn làm giảm các chất điện giải. Chất điện giải là yếu tố duy trì cân bằng dịch trong cơ thể, sự linh hoạt và chính xác của hệ thần kinh.
- Áp dụng chế độ ăn BRAT: BRAT là viết tắt của chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng (Bananas, Rice, Applesauce, Toast). Đây là các thực phẩm giàu tinh bột, lạt và không chứa các chất gây kích ứng dạ dày, cổ họng hoặc ruột.
- Dùng tinh bột nghệ: Cách chữa bệnh đau bao tử bằng nghệ là một vị thuốc dân gian chuyên trị những bệnh lý liên quan đến dạ dày. Hoạt chất Curcumin chứa nhiều trong tinh bột nghệ có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ làm lành và phục hồi ổ viêm loét ở niêm mạc dạ dày.
Người bị viêm dạ dày nên ăn gì?
Người bị viêm dạ dày nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo, các loại rau củ quả, trái cây có độ axit thấp và tránh xa các loại thức uống có gas, cồn hoặc caffeine.
Hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định các loại thực phẩm có thể điều trị triệt để bệnh viêm dạ dày ruột, tuy nhiên một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý có thể hỗ trợ quá trình điều trị bệnh tốt hơn.
Theo khảo sát, một số người bệnh nhận thấy rằng các loại thực phẩm và đồ uống sau đây giúp giảm bớt các triệu chứng như:
- Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và các loại đậu.
- Thực phẩm ít chất béo như cá, thịt nạc.
- Các loại thực phẩm có độ axit thấp.
- Hạn chế các thức uống chứa cồn như rượu bia, nước có gas, đồ uống chứa caffeine như cà phê.
- Uống nhiều nước lọc.
- Theo một đánh giá năm 2016, sủ dụng các loại men vi sinh có thể giúp điều trị các biến chứng do vi khuẩn Hp gây ra.
Ngoài ra, viêm dạ dày có thể khiến cơ thể khó hấp thụ vitamin B12 và sắt dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu hụt. Vì vậy, hãy xin ý kiến của bác sĩ về các thực phẩm bổ sung phù hợp với tình trạng sức khỏe của Cô Bác, Anh Chị.
Người bị viêm dạ dày kiêng ăn gì?
Đối với người bị viêm dạ dày nên kiêng ăn các loại thực phẩm có hại cho dạ dày, chọn một chế độ ăn uống khoa học, có lợi cho đường tiêu hóa, hỗ trợ quá trình điều trị và mang lại sức khỏe cho người bệnh.
Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng viêm dạ dày nghiêm trọng hơn. Người bị viêm dạ dày không nên ăn các loại thực phẩm sau đây:
- Các loại nước uống có gas, rượu bia, thức uống có cồn, caffeine.
- Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Trái cây có vị chua nhiều như cam, chanh, bưởi, me,…
- Những thức ăn chế biến sẵn như chả lụa, các loại thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích.
- Thịt muối, thịt đỏ.
- Đồ ăn lên men chua như dưa cải muối, hành kiệu muối,…
Tài liệu tham khảo
- Trung tâm nội soi & chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa Doctor Check.
- Mayo Clinic Staff. Abdominal pain. 03 07 2021. https://www.mayoclinic.org/symptoms/abdominal-pain/basics/definition/sym-20050728 (đã truy cập 07 28, 2021).
- The State of Victoria and the Department of Health. Abdominal pain in adults. 31 03 2012. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/abdominal-pain-in-adults (đã truy cập 07 28, 2021).