Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Nứt kẽ hậu môn là bệnh lý phổ biến ở người lớn trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Tuy nhiên, bệnh nứt hậu môn cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Tuổi càng cao, tỷ lệ mắc bệnh nứt kẽ hậu môn càng giảm.

Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan về bệnh nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là bệnh dễ điều trị, có thể tự chữa khỏi tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Ngoài ra, nếu không phát hiện kịp thời, các vết nứt có thể tiến triển thành bệnh mạn tính, khó điều trị, nguy hiểm và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

Bệnh nứt kẽ hậu môn là gì?

Bệnh nứt kẽ hậu môn còn gọi là bệnh nứt hậu môn (tên tiếng Anh: anal fissure) là tình trạng xuất hiện vết cắt hoặc vết rách nhỏ ở niêm mạc hậu môn. Vết nứt có thể gây đau dữ dội, co thắt cơ vòng hậu môn và chảy máu đỏ tươi trong và sau khi đi tiêu. Vết rách cấp tính sẽ xuất hiện theo chiều dọc và có hình oval ở giai đoạn mạn tính tại lớp biểu mô vảy của trực tràng – hậu môn. Theo thời gian, vết rách phát triển sâu và dài hơn, có thể nhìn thấy các mô cơ bên dưới. Vết nứt chỉ xuất hiện khi người bệnh bị táo bón, đi cầu ra phân cứng, phân to hoặc khi có các chấn thương như quan hệ tình dục qua đường hậu môn,…

Hình ảnh minh họa bệnh lý nứt kẽ hậu môn.
Hình ảnh minh họa bệnh lý nứt kẽ hậu môn. (Hình minh họa sưu tầm)

Bệnh nứt hậu môn có thể phát triển thành bệnh lý mạn tính nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như vết rách lan rộng và kéo dài sang các vòng cơ khác.

Hầu hết các vết nứt có thể thuyên giảm với các phương pháp điều trị đơn giản như thay đổi chế độ ăn uống, ngâm mình trong nước ấm, sử dụng thuốc hoặc có thể phẫu thuật nếu bệnh tiến triển nặng.

Phân biệt các loại nứt kẽ hậu môn

Dựa vào thời gian xuất hiện, bệnh nứt kẽ hậu môn được phân thành 2 loại chính là:

  • Nứt kẽ hậu môn cấp tính khi các triệu chứng, dấu hiệu vừa mới xuất hiện. Các vết nứt xuất hiện và tự lành sau 4 đến 6 tuần. Các triệu chứng thường gặp như đau hậu môn, co thắt hậu môn hoặc tiêu ra máu.
  • Nứt kẽ hậu môn mạn tính khi các vết nứt xuất hiện trên 6 tuần và tái phát thường xuyên. Đặc điểm của các vết nứt mạn tính là để lộ ra các sợi cơ vòng hậu môn bên trong lớp niêm mạc và xuất hiện các u nhú hậu môn phì đại xung quanh.

Nguyên nhân gây bệnh nứt kẽ hậu môn

Nguyên nhân nứt kẽ hậu môn đến từ các bệnh lý gây áp lực lên thành hậu môn. Thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lí, khoa học và một số bệnh lý về đường tiêu hóa hoặc bệnh tình dục cũng là một trong những nguy cơ gây nên các vết nứt hậu môn.

Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn đến từ các bệnh lý hậu môn và thói quen sinh hoạt không hợp lý.
Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn đến từ các bệnh lý hậu môn và thói quen sinh hoạt không hợp lý. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị nứt kẽ hậu môn

Nguyên nhân phổ biến khiến hậu môn bị nứt là do tổn thương niêm mạc hậu môn hoặc ống hậu môn tạo nên các vết rách khiến người bệnh đau rát, khó chịu.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nứt hậu môn, bao gồm:

  • Đi tiêu phân lớn, cứng, bị táo bón mạn tính, phải rặn nhiều khi đi tiêu.
  • Bệnh tiêu chảy mạn tính.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
  • Phụ nữ khi mang thai và sau khi sinh.
  • Viêm nhiễm hậu môn – trực tràng.
  • Bệnh Crohn hoặc một số bệnh viêm ruột (IBD) khác: bệnh viêm ruột mạn tính có thể làm cho lớp niêm mạc ở ống hậu môn mỏng và dễ bị rách hơn.

Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh nứt hậu môn như ung thư hậu môn, bệnh lao, HIV và một số bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục còn gọi là STI như giang mai, mụn cóc sinh dục,…

Những ai có nguy cơ bị nứt hậu môn?

Tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh, tuy nhiên dưới đây là những trường hợp dễ bị nứt hậu môn:

  • Đi tiêu ra khuôn phân lớn và rắn là những nguyên nhân phổ biến nhất của nứt hậu môn.
  • Những người thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Bệnh nứt hậu môn có thể xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.
  • Những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh viêm ruột mạn tính (IBD): Tình trạng viêm xảy ra ở lớp niêm mạc ruột khiến các mô xung quanh hậu môn dễ bị rách.
  • Bệnh nhân đã từng thực hiện phẫu thuật vùng hậu môn như cắt búi trĩ, thắt trĩ bằng vòng cao su, chích xơ,…

Sinh lý bệnh của nứt kẽ hậu môn

Phần lớn các vết nứt xuất hiện ở phần giữa hoặc phía sau thành hậu môn. Có rất ít trường hợp bị nứt ở phía trước và hầu như chỉ xuất hiện ở phụ nữ. Hầu hết các vết nứt hậu môn sẽ tự động lành, một số ít trường hợp sẽ cần được điều trị.

Hình minh họa so sánh tình trạng bệnh nứt hậu môn cấp tính (acute) và mạn tính (chronic). (Ảnh minh họa sưu tầm)
Hình minh họa so sánh tình trạng bệnh nứt hậu môn cấp tính (acute) và mạn tính (chronic). (Ảnh minh họa sưu tầm)

Nguyên nhân gây nứt hậu môn khác là do lưu lượng máu vận chuyển đến đường giữa của hậu môn và trực tràng bị hạn chế. Tình trạng này gây thiếu máu cục bộ, ảnh hưởng đến sự co thắt của cơ vòng hậu môn. Co thắt cơ vòng hậu môn là cơ chế bảo vệ ngăn chặn sự kéo dài vết rách khiến bệnh phát triển nặng hơn. Nếu tình trạng thiếu máu cục bộ tại cơ vòng hậu môn xảy ra, cơ chế tự lành sẽ bị suy giảm, các cạnh của vết nứt sẽ trở nên xơ hóa và tiến triển thành các vết nứt mạn tính.

Dù một số vết nứt có kích thước nhỏ nhưng hầu hết bệnh nhân đều có biểu hiện đau dữ dội, chảy máu trong và sau khi đi cầu, ngứa hậu môn. Một số đặc điểm sinh lý bệnh của bệnh nứt kẽ hậu môn có thể bao gồm:

  • Các cơn đau có thể khu trú tại hậu môn nhưng cũng có thể lan rộng xuống mông, đùi sau hoặc lưng dưới.
  • Các cơn đau sẽ xuất hiện khi người bệnh đi cầu.
  • Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ hoặc lâu hơn.
  • Lượng máu xuất huyết do nứt hậu môn thường không đáng kể.
  • Phần lớn bệnh nhân bị nứt hậu môn đều có tiền sử táo bón.

Triệu chứng và dấu hiệu bệnh nứt kẽ hậu môn

Triệu chứng và dấu hiệu bệnh nứt kẽ hậu môn thường gặp là đau hậu môn dữ dội trong hoặc ngay sau khi đại tiện. Các vết nứt đôi khi chảy máu khi đi tiêu. Các triệu chứng nứt kẽ hậu môn và bệnh trĩ tương đối giống nhau hoặc giống với các bệnh lý viêm ruột khác. Vì vậy, người bệnh cần phải chú ý và đến bệnh viện, phòng khám nội soi tiêu hóa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Triệu chứng nứt kẽ hậu môn thường gặp là đau rát hậu môn khi đi tiêu và có thể kéo dài đến vài giờ.
Triệu chứng nứt kẽ hậu môn thường gặp là đau rát hậu môn khi đi tiêu và có thể kéo dài đến vài giờ. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Các triệu chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn

Triệu chứng và dấu hiệu nứt kẽ hậu môn mà người bệnh thường gặp, bao gồm:

  • Đau rát khi đi tiêu và có thể kéo dài đến vài giờ.
  • Ngứa hoặc rát xung quanh vùng hậu môn.
  • Xuất hiện máu đỏ tươi trong phân hoặc giấy vệ sinh sau khi đi ngoài.
  • Vết nứt có thế nhìn thấy ở da xung quanh hậu môn.
  • Xuất hiện một khối u nhỏ gần vết nứt.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuất hiện các vết nứt cấp tính do bệnh táo bón. Nứt hậu môn mạn tính hiếm gặp trong độ tuổi này.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Cô Bác, Anh Chị cần đến gặp bác sĩ tại bệnh viện ngay khi cơ thể xuất hiện một trong các dấu hiệu, triệu chứng nêu trên. Bên cạnh đó, để tránh sự nhầm lẫn giữa bệnh nứt hậu môn, bệnh trĩ và các bệnh lý khác ở đường tiêu hóa, Cô Bác, Anh Chị cần được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Ung thư hậu môn cũng có thể khiến hậu môn của Cô Bác, Anh Chị xuất hiện các triệu chứng tương tự. Vì vậy, hãy khám sức khỏe ngay khi các triệu chứng xuất hiện càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán bệnh nứt kẽ hậu môn

Đối với phần lớn các trường hợp nứt kẽ hậu môn, bác sĩ chỉ cần quan sát và thăm khám bằng tay để chẩn đoán bệnh, mức độ nguy hiểm và tìm ra phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng có thể kết hợp với thăm hỏi tình trạng tiền sử bệnh của Cô Bác, Anh Chị và thực hiện một số cận lâm sàng giúp chẩn đoán được chính xác hơn.

Nội soi tiêu hóa là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa dưới. (Ảnh minh họa sưu tầm)
Nội soi tiêu hóa là phương pháp chính xác nhất trong chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa dưới. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Khám lâm sàng

Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh của Cô Bác, Anh Chị và tiến hành khám sức khỏe và kiểm tra sơ bộ vùng hậu môn. Thông thường, các vết rách có thể nhìn thấy được và dựa vào đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Thông qua các câu hỏi sau, bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ nguy hiểm của bệnh lý hoặc tìm ra các bệnh tiêu hóa liên quan:

  • Tần suất đi tiêu gần đây của Cô Bác, Anh Chị như thế nào? Các triệu chứng bắt đầu từ khi nào?
  • Cô Bác, Anh chị có bị tiêu chảy hoặc táo bón không? Thường kéo dài trong bao lâu?
  • Mỗi khi đi ngoài Cô Bác, Anh Chị có bị đau rát hoặc chảy máu ở hậu môn không?

Nếu nghi nhờ các vấn đề nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra trực tràng – hậu môn bằng tay hoặc bằng phương pháp nội soi ống hậu môn.

Đôi khi bác sĩ sẽ đề nghị đo áp lực cơ thắt hậu môn đối với các vết nứt không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Cận lâm sàng

Vị trí xuất hiện các vết rách cho biết nguyên nhân dẫn đến nứt hậu môn. Ngoài hai vị trí phía trước và phía sau, vết nứt xuất hiện hai bên ống hậu môn có thể gợi ý khả năng mắc các bệnh lý tiêu hóa khác như bệnh Crohn.

Lúc này, bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám nội soi có thể chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện thêm các cận lâm sàng khác để có cái nhìn tổng quát về tình trạng sức khỏe.

Nội soi tiêu hóa là phương pháp đưa ống nội soi mềm vào bên trong đường tiêu hóa, đầu ống nội soi được gắn một camera nhỏ có độ phóng đại trên 500 lần giúp bác sĩ quan sát đến mức độ tế bào giúp chẩn đoán bệnh chính xác và nhanh chóng.

Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và quy trình nội soi, bác sĩ gợi ý nội soi tiền mê hoặc không tiền mê. Một số phương pháp nội soi dành cho ống tiêu hóa dưới như:

  • Nội soi đại tràng sigma: dùng để quan sát đoạn xa đại tràng, phần cuối đại tràng, đại tràng sigma, trực tràng và ống hậu môn. Phương pháp này thường sử dụng cho người bệnh dưới 50 tuổi và không có các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột hoặc ung thư.
  • Nội soi đại tràng toàn bộ (nội soi đại – trực tràng): dùng để quan sát toàn bộ đại tràng và đoạn cuối hậu môn. Phương pháp này phù hợp với người bệnh trên 50 tuổi, có các yếu tố nguy cơ mắc ung thư đại – trực tràng, có dấu hiệu bệnh lý tiêu hóa khác hoặc xuất hiện các triệu chứng đi kèm như đau bụng, tiêu chảy.
  • Nội soi ống hậu môn.

Biến chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Nứt kẽ hậu môn có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh lý tại hậu môn như rò hậu môn, viêm nhiễm hậu môn.
Nứt kẽ hậu môn có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh lý tại hậu môn như rò hậu môn, viêm nhiễm hậu môn. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Các biến chứng nứt kẽ hậu môn có thể bao gồm:

  • Nứt hậu môn mạn tính: nếu người bệnh không điều trị nứt hậu môn cấp tính triệt để và thay đổi chế độ ăn uống khoa học, hợp lí, các triệu chứng cấp tính có thể tiến triển thành bệnh lý mạn tính.
  • Nứt hậu môn tái phát: những bệnh nhân đã từng xuất hiện nứt hậu môn cấp tính hoặc mạn tính đều có nguy cơ tái phát bệnh.
  • Vết nứt lan vào cơ vòng hậu môn: nứt hậu môn có thể ăn sâu vào cơ vòng hậu môn. Tình trạng này sẽ khiến các vết nứt khó lành hơn và dễ bị xơ hóa. Phương pháp điều trị có thể dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật để loại bỏ vết nứt.
  • Gây ra các bệnh lý ở hậu môn, trực tràng: như áp xe hậu môn, rò hậu môn, viêm nhiễm hậu môn,…

Cách điều trị bệnh nứt kẽ hậu môn

Điều trị nứt kẽ hậu môn phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương của người bệnh. Các vết nứt hậu môn thông thường sẽ tự bình phục trong vài tuần mà không cần đến các phương pháp can thiệp. Người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống và áp dụng các phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn tại nhà giúp thúc đẩy quá trình chữa lành sớm hơn như:

  • Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ giúp cho phân mềm.
  • Uống nhiều nước, trung bình khoảng 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày đối với người trưởng thành.
  • Ngâm mình trong nước ấm từ 10 – 20 phút vài lần mỗi ngày, đặc biệt là sau khi đi tiêu giúp thư giãn cơ vòng hậu môn.
  • Nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm sau 2 – 3 ngày, người bệnh cần thực hiện phác đồ điều trị nứt kẽ hậu môn đặc hiệu như dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Sử dụng thuốc bôi điều trị nứt kẽ hậu môn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Sử dụng thuốc bôi điều trị nứt kẽ hậu môn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Thuốc trị nứt kẽ hậu môn

Một số loại thuốc bác sĩ thường chỉ định dùng để điều trị bệnh nứt hậu môn như:

  • Thuốc bôi bên ngoài nitroglycerin (Rectiv) hay còn gọi là thuốc mỡ GTN: giúp tăng lưu lượng máu đến các vết nứt và thúc đẩy quá trình chữa lành, thư giãn cơ vòng hậu môn. Nitroglycerin 0,2% thường được coi là lựa chọn tốt nhất khi các phương pháp điều trị khác không phù hợp. Một số tác dụng phụ của thuốc bôi trị nứt kẽ hậu môn có thể gặp như nhức đầu, chóng mặt, choáng váng,… Thuốc mỡ GTN không phù hợp với trẻ em, thận trọng với phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
  • Thuốc bôi gây tê tại chỗ như lidocaine hydrochloride (Xylocaine) dùng để gây tê và làm giảm triệu chứng đau rát vùng hậu môn.
  • Tiêm Botulinum toxin loại A (Botox) sẽ làm tê liệt cơ vòng hậu môn giúp cơ thắt được thư giãn, nhanh chóng hồi phục và hạn chế xơ hóa các vết nứt.
  • Thuốc chẹn canxi như Nifedipine 0,2% uống (Procardia) hoặc Diltiazem 2% (Cardizem) cũng giúp thư giãn cơ vòng hậu môn. Những loại thuốc này có thể được dùng qua đường uống, bôi bên ngoài vết nứt hoặc thay thế Nitroglycerin để tránh các tác dụng phụ.
  • Thuốc nhuận tràng.

Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc chữa nứt kẽ hậu môn, tránh trường hợp lạm dụng khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

Phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn

Phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng khi bệnh nhân bị nứt hậu môn mạn tính, xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

  • Phẫu thuật cắt bỏ vết nứt (Fissurectomy) sẽ loại bỏ phần da bị tổn thương xung quanh vết nứt hậu môn cùng với bất kỳ phần da thừa nào. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện phương pháp này cùng với tiêm botox.
  • Phẫu thuật cắt cơ vòng bên trong (LIS) bao gồm cắt một phần nhỏ của cơ vòng hậu môn để giảm các cơn đau co thắt, đồng thời thúc đẩy quá trình lành vết thương.
  • Phẫu thuật hạ niêm mạc trực tràng (anal advancement flaps) được sử dụng trong trường hợp nứt mạn tính do mang thai hoặc chấn thương ống hậu môn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy các mô khỏe mạnh từ các bộ phận khác của cơ thể và sử dụng làm liền vết nứt, cải thiện việc cung cấp máu đến vị trí vết nứt.

Các nghiên cứu cho thấy đối với bệnh nứt hậu môn mạn tính, phẫu thuật sẽ hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ phương pháp điều trị nào khác. Tuy nhiên, dù hiếm gặp nhưng phẫu thuật có thể khiến bệnh nhân mất chức năng kiểm soát đi tiêu.

Những điểm cần lưu ý

Phương pháp phòng ngừa nứt kẽ hậu môn

Để phòng ngừa nứt kẽ hậu môn người bệnh cần thay đổi thói quen ăn uống, có lối sống khoa học, thường xuyên rèn luyện sức khỏe.

  • Luôn giữ cho vùng hậu môn khô ráo, sạch sẽ, làm sạch bằng xà phòng và nước ấm. Tránh sử dụng các loại giấy vệ sinh thô cứng.
  • Uống nhiều nước, sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau xanh, đậu và ngũ cốc.
  • Điều trị táo bón và tiêu chảy.
  • Tập thói quen đi vệ sinh đều đặn trong cùng một khoảng thời gian trong ngày cũng rất hữu ích trong việc phòng tránh táo bón.
  • Tầm soát ung thư tiêu hóa nói chung và tầm soát ung thư hậu môn định kỳ giúp Cô Bác, Anh Chị kiểm tra toàn bộ ống hậu môn nhằm phát hiện các dấu hiệu, biểu hiện bất thường và dấu ấn ung thư ở giai đoạn sớm. Đồng thời ngăn ngừa các bệnh lý thường gặp ở hậu môn như viêm loét hậu môn, polyp hậu môn, rò hậu môn,…

Những lưu ý về bệnh nứt kẽ hậu môn

  • Nứt kẽ hậu môn hay nứt hậu môn là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em và cả người lớn. Bệnh có thể sẽ tự khỏi mà không cần điều trị nếu kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý và khoa học.
  • Nguyên nhân chính gây nên bệnh nứt hậu môn là táo bón và một phần đến từ các bệnh lý tiêu hóa.
  • Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nứt hậu môn có thể biến chứng thành bệnh lý mạn tính, gây cản trở công tác điều trị.
  • Người thường xuyên bị táo bón, tiêu chảy, đau rát hậu môn, phụ nữ mang thai, trẻ em và trẻ sơ sinh là những đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh nứt hậu môn cao hơn người bình thường.
  • Phương pháp điều trị chủ yếu là thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung chất xơ, uống nhiều nước. Đối với các trường hợp nặng, mạn tính hoặc đi kèm các bệnh lý khác cần sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật.

Người bị bệnh nứt kẽ hậu môn hậu môn nên ăn gì

Nứt kẽ hậu môn có thể tự lành sau vài tuần tuy nhiên nếu người bệnh không giữ một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học sẽ khiến bệnh tái lại nhiều lần, theo thời gian có thể biến chứng thành bệnh mạn tính khó điều trị hơn.

Chế độ ăn dành cho người mắc bệnh nứt hậu môn hợp lý
Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ giúp hỗ trợ quá trình điều trị. (Ảnh minh họa sưu tầm)

Vì vậy, một số lời khuyên dành cho người đã từng mắc bệnh nứt hậu môn nên ăn gì, bao gồm:

  • Bổ sung các thực phẩm nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống: trung bình mỗi ngày cơ thể cần 25 – 30 gram chất xơ giúp phân mềm và cải thiện quá trình chữa lành vết nứt. Thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể sử dụng các thực phẩm bổ sung hàm lượng chất xơ cho cơ thể. Lưu ý, khi tăng hàm lượng chất xơ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị tránh trường hợp lạm dụng sẽ khiến người bệnh cảm thấy đầy hơi, chướng bụng, khó chịu,…
  • Uống nước đầy đủ.
  • Tránh căng thẳng và rặn nhiều khi đi tiêu: áp lực sẽ khiến cơ vòng hậu môn căng ra, hạn chế lưu lượng máu khiến vết thương đang lành mở ra hoặc tạo thêm các vết rách mới.
  • Nếu trẻ sơ sinh bị nứt hậu môn cần thay tã thường xuyên, vệ sinh nhẹ nhàng và luôn giữ khu vực này khô ráo, thoáng mát.

Tài liệu tham khảo

  1. Trung Tâm Nội Soi Tiêu Hóa – Endo Clinic
  2. Carol, DerSarkissian. What Causes Anal Fissures? 19 10 2020. https://www.webmd.com/digestive-disorders/anal-fissure-causes (đã truy cập 08 06, 2021).
  3. Jennifer Sam Beaty & M. Shashidharan. “Anal Fissure.” Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ Viện Y tế Quốc gia. 29 03 2016. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4755763/ (đã truy cập 08 06, 2021).
  4. Mayo Clinic Staff. Anal fissure. 17 11 2020. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anal-fissure/symptoms-causes/syc-20351424 (đã truy cập 08 06, 2021).
  5. Neha, Pathak. Anal Fissure Symptoms. 19 10 2020. https://www.webmd.com/digestive-disorders/anal-fissure-symptoms (đã truy cập 08 06, 2021).
  6. Parswa, Ansari. Nứt hậu môn. 10 2016. https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-tiêu-hóa/các-rối-loạn-hậu-môn-trực-tràng/nứt-hậu-môn (đã truy cập 08 06, 2021).
  7. Rose, Kivi. Anal Fissure. 26 03 2019. https://www.healthline.com/health/anal-fissure (đã truy cập 08 06, 2021).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

56 + 54 = ?

Chia sẻ nội dung: