Theo thống kê, viêm gan siêu vi có ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, trong đó, viêm gan siêu vi B và C là tình trạng dẫn đến nhiễm trùng mạn tính và nguy hiểm nhất. Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia được CDC (Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) hợp tác để tăng cường nỗ lực phòng chống và kiểm soát bệnh viêm gan siêu vi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, chỉ trong năm 2019 thế giới đã có:
- 296 triệu người đang sống chung với bệnh viêm gan B.
- 58 triệu người đã mắc bệnh viêm gan siêu vi C.
- 3 triệu người mới bị nhiễm viêm gan B và C mạn tính.
Cả viêm gan B và C đều có thể dẫn đến nhiễm trùng mạn tính và ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời. WHO ước tính có khoảng 1,1 triệu trường hợp tử vong trong năm 2019 do nhiễm trùng bởi virus viêm gan B và C, bên cạnh đó, chúng còn gây ra bệnh ung thư gan, xơ gan và các tình trạng viêm gan mạn tính khác.
Tổng quan về bệnh viêm gan
Viêm gan B và C có thể dẫn đến nhiễm trùng mạn tính nếu không được điều trị kịp thời, dẫn đến xơ gan và ung thư gan, gây nguy hiểm đến tính mạn. Bên cạnh đó, nhiễm trùng viêm gan A và E không dẫn đến tình trạng nhiễm trùng mạn tính nhưng có thể chuyển biến nặng, gây tổn thương gan và dẫn đến tử vong.
Viêm gan là gì?
Viêm gan hay viêm gan siêu vi (tên tiếng Anh: Hepatitis hoặc Viral Hepatitis) là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương dẫn đến viêm, nguyên nhân chính là do virus gây ảnh hưởng đến gan, ngoài ra cũng có thể do những nguyên nhân khác như viêm gan tự miễn, do tác dụng phụ của thuốc, ma túy, chất độc, rượu bia,…
Viêm gan tự miễn là trường hợp cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại các tế bào mô gan khỏe mạnh, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 354 triệu bệnh nhân đang sống chung với bệnh viêm gan B và C mạn tính trên toàn cầu.
Phân loại viêm gan
Hiện nay, có 5 phần loại chính của bệnh viêm gan bao gồm A, B, C, D và E, trong đó viêm gan A, B và C chiếm tỷ lệ cao nhất. Mỗi loại viêm gan sẽ do một loại virus gây bệnh khác nhau, một số loại viêm gan sẽ khỏi mà không gặp bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào, một số khác lại gây ra những biến chứng nguy hiểm, kéo dài và ảnh hưởng đến chức năng gan như sẹo ở gan (xơ gan), ung thư gan,…
Viêm gan còn có thể phân loại thành viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính dựa vào thời gian viêm, mức độ ảnh hưởng đến gan. Bệnh nhân được chẩn đoán và viêm gan cấp tính nếu tình trạng viêm kéo dài dưới 6 tháng, ngược lại, trên 6 tháng sẽ được chẩn đoán là viêm gan mạn tính.
Viêm gan cấp tính thường tự khỏi nhưng có thể gây suy gan tối cấp tùy theo căn nguyên, viêm gan mạn tính có thể gây ra các tổn thương tại gan như xơ hóa gan, ung thư biểu mô tế bào gan, tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đáng kể.
Viêm gan A là gì?
Viêm gan A (HAV) do một loại virus RNA thuộc họ Picornaviridae gây ra, chúng thường xuất hiện nhiều nhất trong phân của người nhiễm bệnh.
Virus viêm gan A lây truyền qua con đường tiêu hóa (đường phân – miệng) vì thế việc tiêu thụ đồ ăn, thức uống không đảm bảo vệ sinh sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm. Phương thức lây truyền virus viêm gan A phổ biến là qua vật trung gian như côn trùng, thức ăn, nước uống, các đồ vật bị phơi nhiễm từ người bệnh.
Viêm gan siêu vi A xuất hiện phổ biến ở các nước đang phát triển, khu vực nghèo đói, thiếu vệ sinh, những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan A là khoảng 4 tuần, bệnh nhân mắc viêm gan A cấp tính sẽ có biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong ở người lớn cao hơn trẻ em. Các triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm khó chịu, chán ăn, buồn nôn, nôn ói và vàng da.
Tình trạng tái phát viêm gan A không phổ biến và nhiễm trùng không dẫn đến viêm gan mạn tính, chỉ có dưới 1% dẫn đến suy gan tối cấp.
Viêm gan B là gì?
Viêm gan B (HBV) do một loại virus DNA thuộc họ Hepadnaviridae gây ra, virus viêm gan B được biết có đến 8 biến thế kiểu gen khác nhau, nhưng không được sử dụng trong chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiễm trùng.
Virus viêm gan siêu vi B được phát hiện có nhiều trong huyết thanh, tinh dịch, chất nhầy âm đạo, nước bọt, nước mắt,… nhưng lại không được tìm thấy trong phân, nước tiểu hoặc mồ hôi.
Virus viêm gan B lây nhiễm cho người khỏe mạnh khi họ tiếp xúc với máu, dịch cơ thể có chứa virus, trong các trường hợp như sử dụng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn,… Ngoài ra, virus viêm gan B cũng được lây truyền qua đường máu khi dùng chung kim tiêm, vết thương bị nhiễm trùng, chạy thận nhân tạo,…
Thời gian ủ bệnh của bệnh nhân nhiễm viêm gan B cấp tính là khoảng 12 tuần, người bệnh thường bị nhẹ và dưới 1% bị suy gan giai đoạn cuối. Sau khi nhiễm trùng cấp tính khỏi, phần lớn bệnh nhân người lớn và một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh sẽ phát triển các kháng thể chống lại kháng nguyên viêm gan B, cuối cùng sẽ hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, khoảng 10 – 30% trường hợp khác không có khả năng đào thải virus khỏi cơ thể, dẫn tới nhiễm virus viêm gan B mạn. Khoảng 20% bệnh nhân viêm gan mạn tính sẽ phát triển thành xơ gan và 5% phát triển thành ung thư biểu mô tế bào gan. 90% trường hợp trẻ nhỏ nhiễm virus viêm gan B sẽ tiến triển thành tình trạng viêm gan B mạn tính. Theo thời gian virus viêm gan B sẽ gây tổn thương gan, khiến chức năng gan suy giảm, và tình huống xấu nhất là gây ung thư gan.
Viêm gan C là gì?
Viêm gan C (HCV) do một loại virus RNA thuộc họ Flaviviridae, có 6 genotype: 1, 2, 3, 4, 5, 6; trong đó kiểu gen hay gặp ở Việt Nam là 1, 6, 2, và 3.
Viêm gan siêu vi C có thể lây truyền xảy ra khi vết thương hở ở người bình thường (vết thương có chảy máu) tiếp xúc với máu hoặc dịch của người đã bị nhiễm.
Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan C khoảng 8 tuần và các trường hợp nhiễm bệnh đều không có triệu chứng. Khoảng 55 – 85% bệnh nhân phát triển bệnh viêm gan C mạn tính và bệnh gan, 30% trong số đó tiến triển thành xơ gan.
Bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan C và nhiễm trùng mạn tính có nguy cơ cao phát triển thành ung thư gan. Theo thống kê, gần 20.000 trường hợp tử vong do nhiễm virus viêm gan C mạn tính.
Viêm gan D là gì?
Viêm gan siêu vi D (HDV) do một loại virus RNA đơn lẻ giống với Deltavirus, chúng chứa kháng nguyên viêm gan D và sợi RNA tương tự như virus viêm gan B, do đó những bệnh nhân nhiễm viêm gan D cũng đồng thời nhiễm virus viêm gan siêu vi B.
Viêm gan D cũng có phương thức lây truyền tương tự như viêm gan B, từ người sang người qua tiếp xúc với máu, chế phẩm từ máu, qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên lây truyền trong thời kỳ chu sinh lại không phổ biến.
Virus viêm gan D đồng nhiễm hoặc bội nhiễm trên bệnh nhân có HBsAg (+) nên bệnh thường đột ngột với các triệu chứng như bệnh viêm gan virus B. Bệnh có thể tự khỏi nhưng có số ít trường hợp bệnh diễn biến rất nặng (nếu đồng nhiễm viêm gan virus B) hoặc trở thành viêm gan mạn tính.
Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan D là khoảng 13 tuần, các triệu chứng tương tự như người bệnh viêm gan B cấp tính, tuy nhiên, virus viêm gan D có xu hướng tiến triển thành xơ gan nhanh hơn.
Viêm gan E là gì?
Viêm gan E (HEV) do một virus RNA đơn lẻ giống với Hepevirus. Phương thức lây truyền chủ yếu là nguồn nước bị ô nhiễm và qua đường phân – miệng. Ngoài ra, virus viêm gan E cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con.
Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan E khoảng từ 2 – 10 tuần, nhiễm viêm gan siêu vi E ít nghiêm trọng hơn so với viêm gan B. Viêm gan virus E có thể xuất hiện lẻ tẻ hoặc thành dịch. Bệnh biểu hiện lâm sàng như viêm gan virus A, không trở thành mãn tính. Tuy nhiên, bệnh rất nguy hiểm ở phụ nữ mang thai bị nhiễm trong tam cá nguyệt thứ ba có tỷ lệ tử vong cao hơn 25%.
Viêm gan tự miễn
Căn nguyên chính xác gây ra bệnh viêm gan tự miễn vẫn chưa được xác định rõ, một số yếu tố nguy cơ khác nhau như thuốc, tác nhân môi trường hoặc nhiễm virus viêm gan, virus Epstein-Barr có thể kích hoạt phản ứng tự miễn dịch.
Viêm gan tự miễn xuất hiện ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm gan C mạn tính. Một số loại thuốc như nitrofurantoin, minocycline, adalimumab, infliximab hoặc methyldopa có thể kích hoạt hệ thống tự miễn dịch của gan. Trong trường hợp này, người bệnh có thể ngưng sử dụng thuốc hoặc nhờ bác sĩ đổi sang một loại thuốc khác để cải thiện tình trạng viêm gan tự miễn.
Viêm gan do rượu
Viêm gan do rượu là hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi vàng da mới khởi phát và/hoặc báng bụng (cổ trướng) trên bệnh nhân sử dụng rượu bia lượng nhiều, liên tục và có thể có tiền sử mắc bệnh gan do rượu. Viêm gan do rượu hiện được coi là một dạng suy gan cấp tính. Ở một số bệnh nhân, đợt viêm gan do rượu là biểu hiện đầu tiên của bệnh gan do rượu diễn tiến âm thầm, trong khi ở những bệnh nhân khác, đó là đợt cấp của bệnh xơ gan do rượu đã biết.
Cơ chế gây bệnh của viêm gan do rượu vẫn chưa được xác định rõ ràng, chúng ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như di truyền, chuyển hóa etanol và chất chuyển hóa của chúng là acetaldehyde gây tổn thương màng tế bào gan, suy dinh dưỡng, các yếu tố miễn dịch như sự kích thích của các cytokine làm tăng tốc độ chết của tế bào, thay đổi steatotic, các gốc tự do, và các tổn thương oxy hóa, v.v. Tất cả những yếu tố này được biết là có vai trò gây ra bệnh viêm gan do rượu.
Các giai đoạn của viêm gan
Biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm gan có thể khác nhau ở mỗi cá nhân tùy thuộc vào loại virus gây nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể hoàn toàn không có triệu chứng hoặc chỉ có những triệu chứng rất nhẹ. Một số ít bệnh nhân có thể bị suy gan tối cấp khởi phát nhanh chóng.
Thông thường bệnh nhân bị viêm gan siêu vi trải qua 4 giai đoạn sau đây:
- Giai đoạn 1 (giai đoạn nhân lên của virus): Bệnh nhân viêm gan thường không có triệu chứng trong giai đoạn này, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho kết quả dương tính với các dấu hiệu viêm gan áp xe gan.
- Giai đoạn 2 (giai đoạn tiền căn): Bệnh nhân viêm gan trong giai đoạn này thường có biểu hiện chán ăn, buồn nôn, nôn ói, khó chịu, ngứa, nổi mày đay, đau khớp và mệt mỏi. Đôi khi, những bệnh nhân viêm gan trong giai đoạn này bị chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày hoặc nhiễm virus.
- Giai đoạn 3 (giai đoạn hồi tràng): Trong giai đoạn này, bệnh nhân viêm gan có biểu hiện nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu, một số bị vàng da và đau hạ sườn phải kèm theo gan to.
- Giai đoạn 4 (giai đoạn dưỡng bệnh): Các triệu chứng sẽ dẫn biến mất, vàng da giảm dần và các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy men gan trở về mức bình thường.
Cảm giác thèm ăn thường trở lại sau tuần đầu tiên khi các triệu chúng xuất hiện, viêm gan siêu vi cấp tính thường tự khỏi từ 4 – 8 tuần sau khi mắc bệnh.
Các biểu hiện của tình trạng ứ mật có thể phát triển trong giai đoạn hồi tràng (gọi là viêm gan ứ mật) và thường sẽ tự khỏi.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây viêm gan
Nguyên nhân gây viêm gan phụ thuộc vào virus gây bệnh hoặc do các tác nhân môi trường làm ảnh hưởng đến chức năng gan, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan cấp tính hoặc mạn tính.
Nguyên nhân gây viêm gan là gì?
Phụ thuộc vào từng loại viêm gan mà đường truyền nhiễm và nguyên nhân gây bệnh sẽ khác nhau như:
- Virus viêm gan A được lây truyền thông qua đường tiêu hóa, từ nguồn thức ăn và nước uống nhiễm bẩn hoặc bất kỳ hành động nào làm lây lan các chất tiết chứa virus từ người này sang người khác đều làm cho đối phương bị nhiễm virus và có thể gây nên bệnh viêm gan A.
- Virus viêm gan B được lây truyền qua nhiều đường khác nhau như quan hệ với người mắc bệnh, dùng chung kim tiêm bẩn, tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm bệnh, tiếp xúc với dịch cơ thể người bệnh hoặc cũng có thể được truyền từ mẹ sang con.
- Virus viêm gan C được lây truyền nếu tiếp xúc với máu của người bệnh, dùng chung hoặc bị thương do kim tiêm của người bệnh và một số ít trường hợp lây lan qua đường tình dục.
- Virus viêm gan D được lây truyền qua đường máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm virus, virus viêm gan D cũng có thể được truyền từ mẹ sang con.
- Viêm gan E đường nhiễm qua đường ăn uống khi sử dụng thực phẩm hoặc nguồn nước có chứa virus HEV. Cô Bác, Anh Chị cũng có thể bị phơi nhiễm nếu sử dụng thực phẩm chưa nấu chín kỹ hoặc sau khi đi từ nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao. Viêm gan E đặc biệt nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong đối với phụ nữ mang thai.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm gan là gì?
Mặc dù nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây bệnh viêm gan, tuy nhiên một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Lạm dụng rượu bia: thức uống có cồn có thể gây tổn thương các tế bào gan dẫn đến viêm gan, mô gan dày lên, xơ gan và suy gan.
- Lạm dụng thuốc và tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Phản ứng hệ thống tự miễn dịch.
- Sử dụng nguồn nước không an toàn, không hợp vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt hằng ngày.
- Thường xuyên tiếp xúc với kim tiêm hoặc các đồ vật của người bệnh viêm gan.
- Quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh viêm gan.
- Chưa được tiêm ngừa vắc xin viêm gan siêu vị A và B.
- Đã từng bị nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính với một hoặc nhiều loại virus viêm gan.
- Có tiền sử mắc các bệnh tự miễn dịch.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm gan là gì?
Phần lớn người bệnh sẽ không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng viêm gan nào trong giai đoạn sớm. Đôi khi, các triệu chứng viêm gan siêu vi xuất hiện nhưng lại nhầm lẫn với các bệnh lý tương tự như bệnh cúm.
Các triệu chứng viêm gan phổ biến
Một số triệu chứng phổ biến của bệnh viêm gan bao gồm:
- Ăn không ngon, sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
- Sốt nhẹ.
- Đau nhức cơ hoặc khớp.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Đau bụng, thường xuất hiện ở phần bụng trên bên phải.
- Nước tiểu đậm màu.
- Phân nhạt màu.
- Bệnh tiêu chảy.
- Vàng da và mắt.
- Cảm giác ngứa, nổi mề đay.
- Thường xuyên bị choáng, hôn mê.
- Xuất huyết bên trong cơ thể.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Cô Bác, Anh Chị hãy đến gặp bác sĩ nếu có thể xuất hiện một trong những dấu hiệu trên, nếu viêm gan không được phát hiện và điều trị sớm, chúng có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyến cáo Cô Bác, Anh Chị nên thực hiện tầm soát và khám sức khỏe gan định kỳ nếu tiền sử gia đình đã có người mắc bệnh ung thư gan hoặc viêm gan.
Phương pháp chẩn đoán viêm gan
Để chẩn đoán viêm gan chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện các thăm khám lâm sàng, lấy thông tin về tiền sử bệnh để xác định các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra. Sau khi thực hiện khám sức khỏe tổng quát, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số cận lâm sàng phù hợp, trong đó xét nghiệm máu và xét nghiệm chức năng gan là quan trọng nhất.
Khám lâm sàng
Để chẩn đoán và phân loại tất cả các dạng viêm gan, bác sĩ sẽ khám tổng quát và cập nhật tiền sử bệnh các nhân để xác định các yếu tố nguy cơ Cô Bác, Anh Chị có thể có.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ ấn nhẹ vào bụng xem có đau, căng hoặc trướng không, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng sưng gan hoặc bất kỳ sự thay đổi nào khác như vàng da hoặc vàng mắt.
Cận lâm sàng chẩn đoán
Chẩn đoán viêm gan trước hết phải được phân biệt với các rối loạn khác gây ra các triệu chứng tương tự. Trong giai đoạn tiền căn, viêm gan tương tự với các bệnh do virus không đặc hiệu khác nhau và rất khó chẩn đoán. Bệnh nhân dạ dày nghi ngờ bị viêm gan dựa trên các yếu tố nguy cơ được kiểm tra ban đầu bằng các xét nghiệm gan. Viêm gan cấp tính thường biểu hiện trong giai đoạn hồi tràng, do đó cần được phân biệt với các rối loạn khác gây vàng da.
Xét nghiệm
Xét nghiệm chức năng gan: bác sĩ sẽ sử dụng các mẫu máu của người bệnh để xác định mức độ hoạt động hiệu quả của gan. Nếu kết quả bất thường như mức men gan cao có thể cho thấy gan của Cô Bác, Anh Chị đang bị tổn thương hoặc hoạt động không bình thường.
Các chỉ số xét nghiệm gan bao gồm aminotransferase và aminotransaminase (Xét nghiệm AST và ALT), bilirubin toàn phần, phosphatase kiềm và Gamma-glutamyl transaminase (Chỉ số GGT).
Xét nghiệm men gan có thể chẩn đoán viêm gan nhưng chúng không thể xác định chính xác nguyên nhân (nhóm virus) gây bệnh viêm gan.
Ngoài ra, một số xét nghiệm khác bao gồm:
- Phân tích tế bào máu ngoại vi, chức năng đông máu.
- Tìm kháng thể và phản ứng chuỗi polymarase (PCR).
Huyết thanh học
Ở những bệnh nhân có phát hiện dấu hiệu viêm gan siêu vi cấp tính, các xét nghiệm sau đây được thực hiện để sàng lọc virus viêm gan A, B và C:
- Kháng thể IgM đối với HAV (IgM anti-HAV).
- Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg).
- Kháng thể IgM đối với lõi viêm gan B (IgM anti-HBc).
- Kháng thể với HCV (chống HCV).
- Phản ứng chuỗi polymerase polymerase RNA (HCV-RNA) của viêm gan C (PCR).
Nếu có kết quả dương tính, có thể cần thêm xét nghiệm huyết thanh để phân biệt cấp tính với nhiễm trùng trong quá khứ hoặc mạn tính.
Nếu tình trạng nhiễm HBV được xác nhận về mặt huyết thanh học là nặng, thì tiếp tục đo anti-HDV.
Nếu bệnh nhân gần đây đã đi du lịch đến vùng lưu hành bệnh hoặc bị ức chế miễn dịch, nên đo kháng thể IgM đối với HEV (IgM anti-HEV) nếu có sẵn xét nghiệm.
Sinh thiết gan
Sinh thiết gan là thủ thuật lấy một mẫu tế bào gan để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, từ đó xác định các yếu tố nguy cơ hoặc nguyên nhân tiềm ẩn. Thủ thuật sinh thiết gan có thể được thực hiện qua da mà không cần phẫu thuật.
Sinh thiết gan cho phép bác sĩ xác định tình trạng nhiễm trùng, mức độ viêm nhiễm và hoạt động của gan đã bị ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên, sinh thiết gan thường không cần thiết trừ khi các chẩn đoán khác không chắc chắn.
Sinh thiết gan có thể giúp dự đoán tiên lượng trong viêm gan cấp tính nhưng hiếm khi được thực hiện chỉ vì mục đích này. Sự phục hồi mô học hoàn toàn xảy ra trừ khi hoại tử lan rộng làm cầu nối toàn bộ acini (hoại tử bắc cầu). Hầu hết bệnh nhân hoại tử cầu nối đều hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp tiến triển thành viêm gan mạn tính.
Chẩn đoán hình ảnh
Mặc dù các chẩn đoán hình ảnh không thể phát hiện gan bị nhiễm virus, nhưng một số kết quả có thể cho thấy tình trạng viêm, thay đổi kích thước và các khối u có thể là hậu quả của nhiễm trùng mạn tính hoặc bệnh gan do bất kỳ loại viêm gan nào.
- Siêu âm ổ bụng giúp bác sĩ quan sát gan và các cơ quan xung quanh, phương pháp này có thể đánh giá được chất lỏng tích tụ trong ổ bụng, tổn thương tại gan, gan to, khối u gan hoặc các bất thường về túi mật, đường mật.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Chụp CT bụng có thể phát hiện những thay đổi về kích thước và mật độ của gan, có thể hình dung các khối u hoặc dấu hiệu của ung thư sớm (một biến chứng tiềm ẩn của bệnh viêm gan).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ MRI có thể phát hiện những bất thường cho thấy rối loạn chức năng gan hoặc ung thư.
Phương pháp điều trị viêm gan
Phương pháp điều trị viêm gan siêu vi sẽ phụ thuộc vào từng loại virus gây bệnh và giai đoạn nhiễm trùng. Các phương pháp điều trị viêm gan thường không cần nằm viện trừ khi người bệnh không thể ăn uống hoặc bị nôn ói liên tục.
Đối với người lớn tuổi, bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, buồn nôn, nôn ói liên tục nên được nhập viện để điều trị theo dõi và được truyền dịch nếu cần. Bên cạnh đó, nếu người bệnh xuất hiện các biến chứng như áp xe gan, xuất huyết tĩnh mạch hoặc bệnh não gan cũng cần được nhập viện và điều trị thích hợp.
Bệnh nhân nên tránh các loại thuốc như acetaminophen hoặc các chất kích thích như rượu có thể gây độc cho gan. Bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan cấp tính cần được nghỉ ngơi hợp lý và tránh các hoạt động thể chất mạnh cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.
Điều trị viêm gan siêu vi A
Điều trị nhiễm trùng viêm gan A cấp tính là các phương pháp hỗ trợ, không có liệu pháp kháng virus nào đối với người nhiễm viêm gan A. Đối với những bệnh nhân bị buồn nôn, nôn khó hoặc có dấu hiệu suy gan cần được nhập viện và theo dõi chặt chẽ.
Điều trị bệnh viêm gan B
Phương pháp điều trị viêm gan B được chia thành hai loại là điều trị nhiễm HBV cấp tính và điều trị nhiễm HBV mạn tính.
Điều trị nhiễm viêm gan B cấp tính
Điều trị nhiễm virus viêm gan B cấp tính là hỗ trợ và tương tự như điều trị viêm gan A. Đối với những trường hợp nhiễm virus viêm gan B cấp tính nặng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc lamivudine.
Điều trị nhiễm viêm gan B mạn tính
Mục tiêu chính của điều trị nhiễm virus viêm gan B mạn tính là ức chế sự nhân lên của virus, đồng thời làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển của viêm gan mạn tính thành xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan.
Việc ức chế sự nhân lên của virus được chỉ định bằng cách làm mất kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg) và ức chế nồng độ DNA của virus viêm gan B. Các loại thuốc thường được kê đơn bao gồm pegylated interferon alfa-2a (PEG-IFN), các chất tương tự nucleoside hoặc nucleotide dạng uống bao gồm tenofovir, entecavir.
Liệu pháp nên được lựa chọn dựa trên hồ sơ bệnh án của từng bệnh nhân, tính an toàn, hiệu quả, chi phí điều trị và các nguy cơ kháng thuốc có thể xảy ra.
Điều trị viêm gan B bằng pegylated interferon (PEG-IFN) thường tiếp tục trong 48 tuần đối với cả viêm gan mạn tính HBeAg dương tính và âm tính. Ưu điểm của điều trị pegylated interferon (PEG-IFN) bao gồm tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh cao trong vòng một năm điều trị và không có hiện tượng kháng thuốc. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như cúm, mệt mỏi, sụt cân, trầm cảm, chán ăn, buồn nôn, ức chế tủy xương,…
Điều trị pegylated interferon (PEG-IFN) được chống chỉ định ở những bệnh nhân có xu hướng trầm cảm nặng, rối loạn tâm thần, các tình trạng tự miễn dịch, mang thai, xơ gan mất bù và rối loạn chức năng máu.
Điều trị bằng thuốc uống như tenofovir hoặc entecavir thường tiếp tục trong 1 đến 2 năm. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các bệnh nhân cần điều trị vô thời hạn vì việc ngừng điều trị thường dẫn đến tình trạng viêm gan tái phát. Những ưu điểm của việc điều trị bằng tenofovir hoặc entecavir bao gồm dễ sử dụng và ít xảy ra tác dụng phụ vì những loại thuốc này có tính an toàn và được dung nạp tốt.
- Tenofovir được chống chỉ định ở trẻ em và có thể gây suy thận, giảm mật độ xương, hội chứng Fanconi và nhiễm toan ống thận gần, nhưng những tác dụng phụ này rất hiếm. Bệnh nhân suy thận nên được điều chỉnh liều tenofovir.
- Entecavir nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân bị bệnh gan mất bù, suy thận vì chúng có thể gây nhức đầu, ho, mệt mỏi và đau bụng, nhưng các tác dụng phụ thường nhẹ.
Những bệnh nhân không thể điều trị bằng pegylated interferon (PEG-IFN) thường dung nạp tốt các thuốc uống này. Những loại thuốc này có tác dụng kháng virus rất mạnh với việc ức chế virus được thấy ở hơn 95% bệnh nhân trong hơn 5 năm với việc ngăn ngừa xơ gan.
Điều trị bệnh viêm gan C
Tương tự như viêm gan B, phác đồ điều trị viêm gan siêu vi C cũng được chia thành hai loại là điều trị nhiễm HCV cấp tính và điều trị nhiễm HCV mạn tính.
Điều trị nhiễm viêm gan C cấp tính
Nhiễm viêm gan C cấp tính thường không được phát hiện trong giai đoạn sớm, đến khi được phát hiện, liệu pháp tiêm Interferon là một lựa chọn. Interferon là một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch, Interferon nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư.
Những bệnh nhân được phát hiện nhiễm virus viêm gan C cấp tính vẫn có thể loại bỏ nhiễm trùng một cách tự nhiên. Do đó, liệu pháp kháng virus có thể được bắt đầu sau 6 tháng kể từ khi nhiễm virus viêm gan C được chẩn đoán tùy theo từng trường hợp, ngoại trừ những trường hợp nhiễm HCV cấp tính sau khi ghép gan mà liệu pháp kháng vi-rút phải bắt đầu ngay lập tức.
Điều trị nhiễm viêm gan C mạn tính
Mục tiêu chính của điều trị nhiễm virus viêm gan C mạn tính là tiêu diệt virus viêm gan C, đồng thời làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển của viêm gan mạn tính thành xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan, kết hợp với điều trị các biến chứng ngoài gan của virus viêm gan C như viêm cầu thận và cryoglobulinemia.
Pegylated interferon alfa-2b và alfa-2a đã là loại thuốc được lựa chọn trong hơn hai thập kỷ và được sử dụng cùng với ribavirin như một liệu pháp kết hợp. Liệu pháp kết hợp này thường được thực hiện trong thời gian từ 24 – 48 tuần, tùy thuộc vào kiểu gen của virus viêm gan C. Điều trị bằng pegylated interferon (PEG-IFN) đã cho thấy đáp ứng virus bền vững với việc loại bỏ RNA của virus viêm gan C và giảm tốc độ tiến triển xơ hóa.
Bệnh nhân sẽ được tư vấn trước rằng không phải trường hợp nào cũng có thể diệt trừ được virus viêm gan C và có thể không đạt được kết quả lâm sàng mong muốn. Những bệnh nhân có biểu hiện ngoài gan như viêm cầu thận hoặc u lympho không Hodgkin có thể được hưởng lợi từ việc ức chế một phần virus viêm gan C thông qua việc điều trị, có thể ổn định chức năng thận.
Pegylated interferon (PEG-IFN) và điều trị ribavirin đều gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, đau khớp, các triệu chứng giống cúm, dễ xúc động, rụng tóc, trầm cảm, ức chế tủy xương,… Ribavirin có thể gây phát ban và thiếu máu tán huyết.
Đối với bệnh nhân bị giảm bạch cầu và thiếu máu có thể cần sử dụng yếu tố kích thích tế bào bạch cầu hạt (G-CSF) và sử dụng erythropoietin. Ngoài ra, giảm tiểu cầu vẫn là một tác dụng phụ thường gặp khi điều trị bằng interferon, điều này đặc biệt quan trọng vì bệnh nhân xơ gan do virus viêm gan C có thể bị giảm tiểu cầu lúc ban đầu, có thể trở nên nghiêm trọng do điều trị bằng interferon và có thể gây ra các biến chứng chảy máu.
Bệnh nhân bị xơ gan do virus viêm gan C và giảm tiểu cầu với số lượng tiểu cầu thấp hơn 70.000 / µL đôi khi được điều trị bằng eltrombopag, phương pháp này đã được FDA phê duyệt vào năm 2008 ban đầu để điều trị giảm tiểu cầu và ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn (ITP). Tuy nhiên eltrombopag được biết là gây tĩnh mạch thuyên tắc huyết khối và tổn thương gan do thuốc, vì vậy nên được sử dụng thận trọng và chỉ khi được yêu cầu.
Một tác dụng phụ khác ít phổ biến hơn của liệu pháp phối hợp interferon và ribavirin là bệnh lý võng mạc, bệnh nhân nên được khuyến khích đánh giá nhãn khoa trước và sau khi điều trị. Bệnh nhân tiểu đường cũng nên cố gắng kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu vì sự kháng insulin làm giảm cơ hội diệt trừ virus.
Bệnh nhân bị nhiễm viêm gan C mạn tính bị suy thận hoặc đang lọc máu nên được điều trị với liều giảm pegylated interferon (PEG-IFN) trước khi được xem xét ghép thận. Nên tránh dùng Ribavarin ở bệnh nhân thẩm tách máu hoặc bệnh nhân suy thận do tăng nguy cơ thiếu máu tan máu.
Bệnh nhân bị nhiễm viêm gan C mạn tính đồng thời có đồng thời nhiễm HIV cũng nên được điều trị kết hợp và tích cực. Những bệnh nhân này thường bị ức chế miễn dịch ban đầu do nhiễm HIV và cần được theo dõi rất chặt chẽ.
Điều trị kháng virus đối với viêm gan C đã được cải thiện đáng kể với sự phát triển của các thuốc uống điều trị mới hơn được gọi là thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp (DAAs) bao gồm simeprevir, sofosbuvir, ledipasvir, sofosbuvir, elbasvir, grazoprevir,… cho thấy khả năng chữa khỏi bệnh rất cao.
Các thuốc này được dùng trong 8 – 12 tuần và rất hiệu quả trong việc tiêu diệt virus, chúng được dung nạp tốt và ít tác dụng phụ hơn tuy nhiên số người được điều trị vẫn thấp do chi phí điều trị cao.
Điều trị bệnh viêm gan D
Đối với các trường hợp nhiễm viên gan D thường sẽ kèm theo virus viêm gan B, vì vậy bệnh nhân thường được điều trị bằng pegylated interferon (PEG-IFN). Uống nucleoside hoặc các chất tương tự nucleotide có hiệu quả hạn chế hoặc không hữu ích. Việc điều trị viêm gan D đã không thay đổi trong một thời gian dài, và pegylated interferon vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất.
Trong một nghiên cứu, những bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan D đồng thời nhiễm HIV đã được điều trị bằng tenofovir cho thấy hiệu quả tốt. Tuy nhiên, cơ chế chính xác của hiệu quả này vẫn chưa được biết và cần phải có nhiều thời gian nghiên cứu hơn nữa.
Điều trị bệnh viêm gan E
Điều trị nhiễm trùng viêm gan E cấp tính là hỗ trợ. Những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch và những người được ghép tạng rắn có thể bị nhiễm viêm gan E mạn tính và có thể được điều trị bằng ribavirin. Pegylated interferon (PEG-IFN) đã được sử dụng thành công nhưng có nhiều tác dụng phụ như ứ mật.
Điều trị bệnh viêm gan tự miễn
Phương pháp điều trị viêm gan tữ miễn chính là sử dụng corticosteroid đơn lẻ hoặc kết hợp với azathioprine. Đa số bệnh nhân đáp ứng với liệu pháp ban đầu và thuyên giảm, nhưng một khi điều trị dứt điểm, phần lớn bệnh nhân sẽ bị tái phát.
Khi các xét nghiệm chức năng gan trở lại bình thường sau khi điều trị ban đầu, liều lượng prednisone giảm dần và bệnh nhân được điều trị duy trì chỉ với azathioprine. Liệu pháp Azathioprine thường kết thúc sau một năm khi các xét nghiệm chức năng gan vẫn nằm trong phạm vi cho phép.
Trong giai đoạn đầu điều trị, men gan cần được kiểm tra thường xuyên. Nếu các enzym không trở lại giá trị tham chiếu trong hai tháng đầu điều trị, cần tăng liều steroid. Những bệnh nhân không dung nạp tốt với prednisone có thể thử dùng budesonide như một tác nhân thay thế. Cyclosporine cũng đã được sử dụng trong một số nghiên cứu và đã cho thấy hiệu quả tốt. Điều trị thường dừng nếu tình trạng của bệnh nhân thuyên giảm, phát triển các tác dụng phụ đáng kể từ liệu pháp, hoặc không đáp ứng với liệu pháp.
Những bệnh nhân gặp tác dụng phụ đáng kể từ liệu pháp này cũng nên ngừng điều trị. Sử dụng corticosteroid lâu dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ bao gồm mụn trứng cá, rậm lông, hội chứng cushing, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường, thay đổi tâm trạng, loãng xương, gãy xương, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể,…
Azathioprine có thể gây ứ mật, buồn nôn, nôn ói, giảm tiểu cầu, viêm tụy và phát ban. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân dung nạp azathioprine tốt hơn so với steroid liều cao. Mỗi bệnh nhân yêu cầu một đánh giá riêng về các tác dụng phụ, nên điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ và khả năng dung nạp điều trị.
Bệnh nhân nên được bổ sung canxi và vitamin D để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh loãng xương, và đo mật độ xương hàng năm. Nếu bệnh nhân bị loãng xương, thì nên chuyển sang điều trị bằng liệu pháp bisphosphonate. Bệnh nhân đang điều trị bằng azathioprine cũng nên xét nghiệm công thức máu thường xuyên.
Khoảng một nửa số bệnh nhân bị tái phát trong vòng 6 tháng sau khi ngừng điều trị, và phần lớn bệnh nhân bị tái phát trong vòng 3 năm điều trị. Những bệnh nhân bị tái phát thường quay trở lại phác đồ điều trị ban đầu và hầu hết đều mang lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, sau khi ngừng điều trị lần thứ hai, nhiều bệnh nhân bị tái phát trở lại. Những bệnh nhân tái phát hai lần sẽ được điều trị kết hợp liều thấp không thời hạn. Liệu pháp không nên ngừng điều trị đột ngột vì nó có thể dẫn đến tình trạng viêm gan cấp tính nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.
Những bệnh nhân không dung nạp, không đáp ứng với điều trị hoặc bị xơ gan mất bù cần được chuyển tuyến để ghép gan. Tái phát viêm gan tự miễn sau khi ghép gan là rất hiếm và tiên lượng bệnh rất tốt. Những bệnh nhân có hội chứng chồng chéo viêm gan và xơ gan mật nguyên phát tự miễn sẽ được điều trị bằng ursodiol kết hợp với liệu pháp ức chế miễn dịch.
Điều trị bệnh viêm gan do rượu
Bệnh nhân bị viêm gan do rượu nhẹ không cần điều trị nhưng cần được tư vấn cai rượu, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và nên uống bổ sung các loại vitamin, bao gồm axit folic và thiamine. Những bệnh nhân có rối loạn đông máu đáng kể nên dùng vitamin K.
Những bệnh nhân có nguy cơ cao cai rượu cần được điều trị thích hợp. Mặt khác, bệnh nhân bị viêm gan do rượu nặng có tỷ lệ tử vong cao so với bệnh nhân bị viêm gan do rượu nhẹ. Những bệnh nhân này có thể xuất hiện các biến chứng khác nhau như bệnh não gan, xuất huyết tiêu hóa và cần được nhập viện để theo dõi kỹ hơn.
Sau khi duy trì chế độ kiêng rượu từ 6 – 12 tháng, tình trạng viêm gan do rượu sẽ được cải thiện và thường khỏi sau một vài năm. Những bệnh nhân khó kiêng rượu nên tham gia một chương trình phục hồi chức năng.
Suy dinh dưỡng thường gặp ở bệnh nhân viêm gan do rượu, vì vậy người bệnh nên được khuyến cáo bổ sung khoảng 60 – 100 gam chất đạm mỗi ngày, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân bị bệnh não gan. Những bệnh nhân bị cổ trướng nghi ngờ viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát nên được điều trị bằng kháng sinh.
Ghép gan có thể là lựa chọn đối với bệnh gan giai đoạn cuối, nhưng bệnh nhân phải kiêng rượu ít nhất 6 tháng trước khi thực hiện phẫu thuật cấy ghép gan.
Biến chứng của bệnh viêm gan
Viêm gan B hoặc C mạn tính có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Do virus ảnh hưởng đến gan, những người bị viêm gan B hoặc C mạn tính có nguy cơ mắc các bệnh lý sau:
- Bệnh gan mạn tính
- Xơ gan
- Ung thư gan
Khi gan của bệnh nhân ngừng hoạt động bình thường, suy gan có thể xảy ra. Các biến chứng của suy gan bao gồm:
- Rối loạn chảy máu.
- Tch tụ chất lỏng trong bụng gọi là cổ trướng.
- Tăng huyết áp tĩnh mạch cửa đi vào gan.
- Suy thận
- Bệnh não gan có thể liên quan đến mệt mỏi, mất trí nhớ và giảm khả năng tâm thần.
- Ung thư biểu mô tế bào gan.
- Tử vong
Những người bị viêm gan B và C mạn tính nên tránh rượu vì nó có thể làm tăng nhanh bệnh gan và suy gan. Một số chất bổ sung và thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng gan. Nếu Cô Bác, Anh Chị bị viêm gan B hoặc C mạn tính, hãy kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc mới nào.
Những điểm cần lưu ý về viêm gan
Phương pháp phòng ngừa viêm gan
Một số phương pháp phòng ngừa viêm gan bao gồm:
- Tiêm ngừa vắc xin đầy đủ: hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan A và B, bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan. CDC cũng khuyến cáo tiêm phòng viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được vắc xin phòng ngừa virus viêm gan C và E.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Virus viêm gan rất dễ lây truyền từ người sang người và các đường trung gian khác, vì vậy Cô Bác, Anh Chị nên lưu ý khi sử dụng chung dụng cụ, thực phẩm hoặc cũng nguồn nước với người bị phơi nhiễm.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Không dùng chung dao cạo râu.
- Chú ý với vết thương của người bệnh, không tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh viêm gan.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Thận trọng khi đi du lịch đến khu vực có điều kiện vệ sinh kém và tỷ lệ mắc bệnh cao.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống chứa cồn.
Viêm gan và những điều cần lưu ý
- Bệnh viêm gan thường lây truyền từ người sang người thông qua dịch cơ thể, máu hoặc qua các đường trung gian như ăn uống, nguồn nước bị ô nhiễm.
- Viêm gan B và C không giống với các tình trạng viêm gan khác, chúng có thể tiến triển thành viêm gan mạn tính và gây ra các biến chứng như xơ gan, ung thư gan.
- Bệnh nhân bị viêm gan cấp tính có thể không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo nào.
- Bệnh nhân có thể thực hiện các xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm máu để chẩn đoán tình trạng viêm gan. Sinh thiết gan chỉ được thực hiện khi các chẩn đoán khác không mang lại hiệu quả như mong muốn.
- Bác sĩ khuyến cáo tiêm phòng viêm gan A và B định kỳ cho tất cả trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi.
Tài liệu tham khảo
- April Kahn. Hepatitis. 22 10 2021. https://www.healthline.com/health/hepatitis (đã truy cập 03 12, 2022).
- Charles Daniel. Hepatitis. 23 02 2022. https://www.verywellhealth.com/hepatitis-overview-4581961 (đã truy cập 03 12, 2022).
- Cleveland Clinic medical professional. Viral Hepatitis. 01 06 2020. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4245-hepatitis-viral-hepatitis-a-b–c (đã truy cập 03 12, 2022).
- Jennifer Robinson, MD. Your Guide to Hepatitis. 15 12 2021. https://www.webmd.com/hepatitis/default.htm (đã truy cập 03 12, 2022).
- Parth Mehta & Anil Kumar Reddy Reddivari. Hepatitis. StatPearls, 2021.
- Sonal Kumar, MD. Overview of Acute Viral Hepatitis. 12 2020. https://www.msdmanuals.com/professional/hepatic-and-biliary-disorders/hepatitis/overview-of-acute-viral-hepatitis (đã truy cập 03 12, 2022).
- Viral Hepatitis. không ngày tháng. https://www.cdc.gov/hepatitis/index.htm (đã truy cập 03 12, 2022).