Ung thư gan: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

0
(0)

Theo thống kê từ GLOBOCAN, ung thư gan hiện đang là căn bệnh ác tính khi có số ca mắc mới và trường hợp tử vong mỗi năm đứng hàng đầu trong nhóm ung thư tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2020, Việt Nam đã có 26.418 ca mắc mới và 25.272 trường hợp tử vong, ung thư gan trở thành loại ung thư chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại ung thư (14.5%). Trong đó, tỷ lệ người lớn trên 40 tuổi chiếm hơn 92% (khoảng 24.358) ca mắc mới.

Tổng quan về ung thư gan

Số liệu trên cho thấy tỷ lệ phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh ung thư gan trong giai đoạn sớm rất thấp. Theo khảo sát, phần lớn người mắc bệnh ung thư gan thường được phát hiện trong giai đoạn tiến triển, khi khối u đã lớn, khó có thể thực hiện phẫu thuật để điều trị triệt để.

Ung thư gan là gì?

Ung thư gan (tên tiếng anh: Liver Cancer) là căn bệnh ung thư bắt đầu phát triển từ các tế bào ở gan, phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào gan. Ung thư gan xảy ra khi các tế bào tăng trưởng đột biến, không kiểm soát, khiến các tế bào khỏe mạnh ít dần và làm giảm hoạt động của chức năng gan.

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong hệ tiêu hóa, gan có chức năng quan trọng trong việc loại bỏ chất thải, độc tố, hấp thụ chất dinh dưỡng và chữa lành vết thương. Gan thường nằm ở vùng bụng trên bên phải, ngay dưới xương sườn, chịu trách nhiệm sản xuất mật, giúp tiêu hóa chất béo, vitamin và các chất dinh dưỡng khác.

Gan được chia thành 2 phần, gồm nhiều loại tế bào khác nhau như tế bào gan, tế bào lót mạch máu và các tế bào lót ống nhỏ trong gan (ống mật). Các tế bào khác nhau sẽ hình thành khối u ung thư khác nhau (u lành tính hoặc u ác tính). Phụ thuộc vào tình trạng khối u mà tiên lượng và phương pháp điều trị cũng sẽ khác nhau.

Ngoài ra, tỷ lệ ung thư di căn đến gan từ các bộ phận khác trong cơ thể như dạ dày, đại tràng, vú, phổi,… lại phổ biến hơn tình trạng ung thư bắt đầu từ tế bào gan.

Ung thư gan: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Ung thư gan: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Phân loại ung thư gan để xác định tiên lượng bệnh

Ung thư gan thường được phân loại là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Ung thư gan nguyên phát bắt đầu từ các tế bào trong gan, trong khi đó ung thư gan thứ phát lại đến từ các tế bào tại cơ quan khác.

Ung thư gan nguyên phát

Một số loại ung thư gan nguyên phát như ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư đường mật, u mạch máu ganu nguyên bào gan. Trong các loại trên, ung thư biểu mô tế bào gan chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 85 – 90%.

Ung thư biểu mô tế bào gan là gì?

Ung thư biểu mô tế bào gan (tên tiếng Anh: Hepatocellular carcinoma – HCC) còn được gọi là u gan, đây là loại ung thư gan phổ biến nhất, bắt đầu phát triển từ các tế bào chính cấu tạo nên gan.

Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư gan phổ biến nhất, bắt đầu phát triển từ các tế bào chính cấu tạo nên gan. Nguồn ảnh minh họa: Mayo Clinic
Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư gan phổ biến nhất, bắt đầu phát triển từ các tế bào chính cấu tạo nên gan. Nguồn ảnh minh họa: Mayo Clinic

Ung thư biểu mô tế bào gan phần lớn xảy ra ở những người mắc bệnh xơ gan hoặc viêm gan mạn tính. Nguyên nhân thường đến từ các tổn thương trong gan do viêm gan B, viêm gan C, lạm dụng đồ uống chứa cồn lâu dài, bệnh gan nhiễm mỡ,…

Ung thư tế bào gan có thể được chia thành 2 loại chính bao gồm:

  • Loại 1: Các tế bào đột biến phát triển thành một khối u lớn, chỉ khi tiến triển đến giai đoạn muộn chúng mới lan sang các bộ phận khác của gan.
  • Loại 2: Gan xuất hiện nhiều nốt nhỏ không chỉ 1 khối u, tình trạng này xảy ra phổ biến ở người bị bệnh xơ gan (tổn thương gan mạn tính).

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng phân ung thư tế bào gan thành một số loại phụ. Thông thường các loại ung thư phụ không ảnh hưởng đến phác đồ điều trị ung thư gan và tiên lượng sống còn. Tuy nhiên, có một loại ung thư Cô Bác, Anh Chị cần lưu ý là Fibrolamellar HCC.

Fibrolamellar HCC là một loại ung thư biểu mô tế bào gan hiếm khi xảy ra, chiếm ít hơn 1% nhóm ung thư biểu mô tế bào gan và thường xuất hiện ở phụ nữ dưới 35 tuổi không mắc bệnh gan. Fibrolamellar HCC có tiên lượng tốt hơn các dạng HCC khác.

Ung thư đường mật trong gan (ung thư ống mật)

Ung thư ống mật là một nhóm các khối u ác tính phát sinh từ các tế bào biểu mô của đường mật. Ung thư ống mật gồm ung thư biểu mô đường mật trong gan và ung thư biểu mô đường mật ngoài gan. Trong đó, tỷ lệ ung thư đường mật ngoài gan hay gặp hơn, ung thư đường mật trong gan chiếm khoảng 10-20%. Ung thư đường mật trong gan thường được điều trị giống như ung thư biểu mô tế bào gan.

U mạch máu gan

U mạch máu gan (AngiosarcomaHemangiosarcoma) là một dạng ung thư rất hiếm gặp, bắt đầu từ các tế bào lót bên trong mạch máu của gan, loại ung thư này có xu hướng tiến triển rất nhanh, khó kiểm soát và thường được chẩn đoán trong giai đoạn nặng.

Bởi vì những khối u này phát triển rất nhanh và lan rộng nên khó có thể loại bỏ bằng phẫu thuật. Hóa trị và xạ trị có thể kéo dài thời gian sống nhưng khó có thể điều trị triệt để hoàn toàn.

U nguyên bào gan

U nguyên bào gan là một loại ung thư cực kỳ hiếm gặp và gần như chỉ xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi. Với phẫu thuật và hóa trị, u nguyên bào gan có thể được chữa khỏi 70% số ca mắc bệnh.

Ung thư gan thứ phát

Ung thư gan thứ phát là tình trạng các tế bào ung thư từ các bộ phận khác trong cơ thể di căn đến gan. Theo thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư gan di căn chiếm số lượng cao hơn ung thư gan nguyên phát.

Tế bào ác tính ở một số bộ phận thường di căn đến gan như tuyến tụy, đại – trực tràng, dạ dày, vú hoặc phổi. Phương pháp điều trị ung thư gan thứ phát dựa vào vị trí các tế bào đột biến xuất hiện.

Khối u gan lành tính

Khối u gan lành tính thường phát triển đủ lớn để gây ra các dấu hiệu, triệu chứng khó chịu cho người bệnh nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng, không xâm lấn vào các mô lân cận cũng như di căn đến các bộ phận xa trong cơ thể. U gan lành tính có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật. Một số loại khối u gan lành tính bao gồm u máu, u tuyến gan và tăng sản nốt khu trú.

U máu

U máu là loại phổ biến nhất trong các loại khối u gan lành tính, chúng thường bắt đầu phát triển trong các mạch máu. Phần lớn các trường hợp u máu của gan không gây ra các triệu chứng và không cần điều trị, một số khác có thể gây xuất huyết và cần được loại bỏ bằng phẫu thuật.

U tuyến gan

U tuyến gan là tình trạng u lành tính phát triển từ các tế bào gan, phần lớn không gây ra triệu chứng, cũng không cần điều trị, một lượng nhỏ khối u tuyến gan có thể biến chứng gây đau bụng, xuất hiện khối u ở bụng hoặc mất máu.

Nguy cơ khối u tuyến gan có thể bị vỡ gây mất máu và tiến triển thành ung thư ác tính rất thấp, tuy nhiên bác sĩ thường sẽ khuyên bệnh nhân nên thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u nếu có thể.

Nguyên nhân gây ra u tuyến gan có thể đến từ việc sử dụng một số loại thuốc lâu dài. Đối với phụ nữ, tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn nếu sử dụng thuốc tránh thai (rất hiếm gặp). Đối với nam giới khi sử dụng steroid cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các khối u có thể nhỏ lại khi Cô Bác, Anh Chị ngưng sử dụng các loại thuốc trên.

Tăng sản nốt khu trú

Tăng sản nốt khu trú (Focal nodular hyperplasia – FNH) là sự phát triển giống với khối u được tạo thành từ các tế bào gan, tế bào ống mật và tế bào mô liên kết. Mặc dù FNH là khối u lành tính nhưng chúng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu.

Tăng sản nốt khu trú rất dễ nhầm lẫn với bệnh ung thư gan ác tính, vì vậy bác sĩ thường chỉ định loại bỏ chúng khi kết quả chẩn đoán không rõ ràng.

Cả 2 tình trạng khối u tuyến gan và tăng sản nốt khu trú đều phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Phân loại ung thư gan dựa vào mục đích điều trị

Đối với mục đích điều trị, bác sĩ thường phân loại ung thư gan đơn giản hơn, phụ thuộc vào tình trạng khối u có thể cắt bỏ được hoàn toàn không. Vậy nên, phân loại ung thư gan dựa vào mục đích điều trị sẽ được chia thành 4 nhóm, bao gồm:

Ung thư gan có thể cắt bỏ hoặc phẫu thuật cấy ghép

Đối với bệnh nhân đủ sức khỏe, những khối u này có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật hoặc điều trị bằng cấy ghép gan.

Tỷ lệ thực hiện thành công ở bệnh nhân ung thư gan giai đoạn I và một số trường hợp giai đoạn II trong hệ thống TNM, ở những bệnh nhân không bị xơ gan hoặc các vấn đề y tế nghiêm trọng khác.

Chỉ một số ít bệnh nhân ung thư gan nằm trong nhóm có thể thực hiện phẫu thuật này.

Ung thư gan không thể cắt bỏ

Ung thư gan không thể cắt bỏ là tình trạng các khối u ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan ở xa trong cơ thể, tuy nhiên chúng không được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.

Trong trường hợp này, các tế bào ung thư đã di căn khắp gan hoặc không thể loại bỏ một cách an toàn do chúng nằm gần các động mạch chính, tĩnh mạch và ống dẫn mật.

Ung thư gan không thể chữa khỏi do các bệnh lý khác

Đối với trường hợp ung thư gan thể chữa khỏi do các bệnh lý khác, mặc dù khối u ung thư đủ nhỏ và ở đúng vị trí để loại bỏ nhưng người bệnh lại không đảm bảo đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật.

Thông thường, nguyên nhân là do phần gan khỏe mạnh bị ảnh hưởng của các bệnh lý khác như xơ gan, nếu loại bỏ khối u, có thể không còn đủ mô gan khỏe mạnh giúp duy trì chức năng gan hoạt động bình thường.

Ung thư gan tiến triển (di căn)

Các tế bào ung thư gan đã tiến triển và di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác của cơ thể. Chúng thường được xếp vào giai đoạn IVA và IVB trong hệ thống TNM. Phần lớn ung thư gan giai đoạn cuối không thể điều trị bằng phẫu thuật.

Các phân loại giai đoạn ung thư gan

Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán đã dương tính với ung thư gan, bác sĩ sẽ cố gắng xác định tình trạng di căn, quá trình này được gọi là giai đoạn ung thư.

Giai đoạn ung thư mô tả mức độ ung thư trong cơ thể, giúp xác định mức độ nghiêm trọng và đưa ra phác đồ điều trị ung thư gan tốt nhất.

Hệ thống TNM

Hệ thống phân loại giai đoạn ung thư gan thường được sử dụng ở Mỹ là hệ thống TNM của AJCC (Ủy ban liên hợp về ung thư Hoa Kỳ), trong đó phân loại ung thư sẽ dựa trên 3 yếu tố chính bao gồm:

  • Mức độ của khối u (Tumors – T).
  • Mức độ di căn đến các hạch bạch huyết lân cận (Nodes – N).
  • Mức độ di căn đến các cơ quan ở xa (Metastasis – M).
Hệ thống phân loại giai đoạn ung thư TNM (Nguồn tham khảo: National Cancer Institute)
Hệ thống phân loại giai đoạn ung thư TNM (Nguồn tham khảo: National Cancer Institute)

Hệ thống của Hiệp hội Ung thư gan lâm sàng (BCLC) Barcelona

Mặc dù hệ thống TNM có thể xác định được phạm vi của ung thư gan nhưng lại không xác định được tình trạng chức năng gan, dẫn đến xuất hiện một số hệ thống khác, trong đó phổ biến nhất là hệ thống tiên lượng ung thư gan Barcelona (BCLC), phân loại này liên kết các giai đoạn bệnh với phương pháp điều trị thích hợp và đã được Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Hoa Kỳ (AASLD) và Hiệp hội Nghiên cứu về Gan của Châu Âu chấp nhận làm tiêu chuẩn.

Theo BCLC, ung thư gan được chia thành 5 giai đoạn dựa vào đặc điểm khối u (kích thước, số lượng, xâm lấn xung quanh), chức năng gan (Child-Pugh) và chỉ số toàn trạng của người bệnh PTS (performance status).

BCLC

Đặc điểm khối u

Child-Pugh

PTS

Chiến lược điều trị

0

Một khối, kích thước < 2cm

Không có tăng áp lực tĩnh mạch cửa

A

0

Điều trị triệt để: phẫu thuật, ghép gan hay đốt tế bào bằng sóng nhiệt.

A

Một khối

Không quá 3 khối, mỗi khối không quá 3cm

A, B

0

B

Nhiều khối lớn

A, B

0

Điều trị tạm thời: hoá trị nội soi qua ống thông động mạch hay còn gọi là nút hóa chất động mạch (transcatheter arterial chemoembolization, TACE).

C

Xâm lấn mạch máu hoặc ra ngoài gan

A, B

1-2

Điều trị tạm thời: sử dụng chế phẩm ức chế tăng sinh mạch (Sorafenib)

D

Bất kỳ trạng thái nào

C

3-4

Điều trị triệu chứng: liệu pháp giảm nhẹ

Đặc biệt, phân loại BCLC cho ta biết tiên lượng thời gian sống của các bệnh nhân HCC:

 

Thời gian sống trung bình

Tiên lượng khi điều trị

Giai đoạn rất sớm

(giai đoạn 0)

>36 tháng

70%-90% sống 5 năm (phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ)

Giai đoạn sớm

(giai đoạn A)

36 tháng

50%-70% sống 5 năm (phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ)

Giai đoạn trung gian

(giai đoạn B)

16 tháng

Trung bình 20 tháng khi nút hóa chất
động mạch (TACE)

Giai đoạn tiến triển

(giai đoạn C)

4-8 tháng

Trung bình 6-11 tháng khi điều trị với
sorafenib

Giai đoạn cuối

(Giai đoạn D)

<4 tháng

 

Điểm Child – Pugh là gì?

Điểm số Child – Pugh là chỉ số đo chức năng gan trong hệ thống xác định giai đoạn xơ gan. Nhiều bệnh nhân bị ung thư gan do tiến triển từ bệnh xơ gan, để tìm ra phương pháp điều trị ung thư gan tốt nhất, bác sĩ cần biết gan có hoạt động tốt không.

Thanh điểm Child – Pugh

Child-Pugh

1 điểm

2 điểm

3 điểm

Dịch ổ bụng

Không

Ít

Trung bình

Billi tp (mg/dl)

<2

2 – 3

>3

Albumn (g/dl)

>3.5

2.8-3.5

<2.8

INR

<1.7

1.7-2.3

2.3

HC não – gan

Không

Độ 1 – 2

Độ 3 – 4

Tổng điểm Child – Pugh thu được như sau:

  • 5 – 6 điểm: Child A
  • 7 – 9 điểm: Child B
  • 10 – 15 điểm: Child C

Hệ thống Child – Pugh xem xét 5 yếu tố trong đó có 3 yếu tố đến từ kết quả xét nghiệm máu bao gồm:

  • Nồng độ bilirubin trong máu (chất có thể gây vàng da và mắt).
  • Nồng độ albumin trong máu (một loại protein chính thường được tạo ra bởi gan).
  • Thời gian prothrombin (đo mức độ gan đang tạo ra các yếu tố đông máu).
  • Có chất lỏng (cổ trướng) trong bụng hay không?
  • Liệu bệnh gan có ảnh hưởng đến chức năng não hay không?

Dựa vào những yếu tố trên, chức năng gan được phân thành 3 bao gồm:

  • Loại A: nếu tất cả các yếu tố này bình thường.
  • Loại B: các yếu tố bất thường nhẹ.
  • Loại C: các yếu tố bất thường nặng.

Những người bị ung thư gan và xơ gan loại C thường quá ốm để phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị ung thư lớn khác.

Thang điểm toàn trạng (PTS)

  • 0: Hoạt động bình thường, không hạn chế
  • 1: Hạn chế hoạt động thể lực. Chỉ có thể làm được việc nhẹ
  • 2: Không làm việc được nhưng vẫn có thể tự chăm sóc bản thân toàn phần
  • 3: Phải có sự trợ giúp của người khác khi tự chăm sóc bản thân. Phải nằm hoặc ngồi nghỉ tại giường/ghế >50 % thời gian thức tỉnh.
  • 4: Hạn chế hoàn toàn, không thể tự chăm sóc bản thân. Phải nằm hoặc ngồi nghỉ tại giường, ghế trong toàn bộ thời gian thức.

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ung thư gan

Hiện nay, nguyên nhân ung thư gan vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tìm ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,… và một số thói quen trong lối sống hàng ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm rượu bia, thuốc lá,…

Nguyên nhân gây ung thư gan là gì?

Theo nghiên cứu, nguyên nhân gây ung thư gan đến từ sự đột biến DNA của các tế bào gan. DNA của tế bào là chỉ dẫn cho mọi hoạt động hóa học trong cơ thể, vì vậy khi bộ DNA bị thay đổi, các hoạt động của các cơ quan cũng sẽ thay đổi theo. Đối với ung thư gan, đột biến cấu trúc DNA sẽ khiến các tế bào tăng sinh không kiểm soát, dẫn đến hình thành một khối u (tế bào ung thư).

Nguyên nhân chính gây ung thư gan là do sự đột biến cấu trúc DNA của các tế bào gan. Ảnh minh họa sưu tầm
Nguyên nhân chính gây ung thư gan là do sự đột biến cấu trúc DNA của các tế bào gan. Ảnh minh họa sưu tầm

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tìm ra được nguyên nhân gây ung thư gan như nhiễm trùng, viêm gan mạn tính hoặc xơ gan. Tuy nhiên, đôi khi ung thư gan cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân không có bệnh cơ bản và không rõ nguyên nhân gây ra chúng.

Các bệnh lý có nguy cơ gây ung thư gan

Một số bệnh lý có nguy cơ cao gây bệnh ung thư gan bao gồm:

  • Bệnh viêm gan: ung thư gan có thể do người bệnh bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) kéo dài. Viêm gan mạn tính nếu không được điều trị sẽ làm tổn thương gan nghiêm trọng.
    • Viêm gan siêu vi lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch của người nhiễm bệnh như máu hoặc tinh dịch.
    • Virus viêm gan có thể được truyền từ mẹ sang con trong khi sinh.
    • Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B và C, Cô Bác, Anh Chị nên sử dụng bao cao su khi quan hệ, tiêm ngừa vắc xin viêm gan B và sàng lọc viêm gan C định kỳ.
  • Xơ gan: Xơ gan là tình trạng gan xuất hiện các mô sẹo, gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng xơ gan sẽ phát triển và không thể hồi phục, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan.
    • Gan bị sẹo không thể hoạt động bình thường và lâu dần sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm bao gồm cả ung thư.
    • Nguyên nhân phổ biến nhất là uống quá nhiều rượu bia, thức uống có cồn trong thời gian dài và viêm gan C.
  • Xơ gan mật nguyên phát (PBC): đây là một bệnh lý tự miễn ảnh hưởng đến gan gây ra xơ gan, các ống dẫn mật trong gan bị tổn thương, thậm chí bị phá hủy. Những bệnh nhân bị xơ gan nguyên phát có nguy cơ cao bị ung thư gan.
  • Bệnh gan di truyền: một số bệnh lý di truyền ở gan có thể dẫn đến ung thư gan như bệnh huyết sắc tố, thiếu alpha-1 antitrypsin, bệnh dự trữ glycogen, porphyria cutanea tarda, tyrosinema và bệnh Wilson.
  • Bệnh đái tháo đường: đái tháo đường là tình trạng rối loạn đường huyết, nguy cơ mắc ung thư gan ở bệnh nhân đái tháo đường cao hơn người khỏe mạnh, phổ biến nhất là đái tháo đường type II.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia (Non-alcoholic Fatty Liver Disease – NAFLD): những người không sử dụng rượu bia hoặc các thức uống chứa cồn, vẫn có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan do sự tích tụ chất béo trong gan.
  • Tình trạng béo phì: Thừa cân, béo phì có liên quan đến hội chứng chuyển hóa và bệnh gan nhiễm mỡ, đây đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan.

Yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư gan là gì?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan nguyên phát bao gồm:

  • Độ tuổi: Ung thư gan phổ biến ở những người lớn tuổi.
  • Nhiễm độc Aflatoxin: chất độc Aflatoxin là độc tố do nấm mốc sinh ra trên cây trồng nếu không được bảo quản tốt như ngũ cốc, các loại hạt như lạc, ngũ cốc và ngô,…
  • Sử dụng steroid đồng hóa: Steroid đồng hóa là một loại testosterone nhân tạo dùng để bổ sung cho cơ thể, nếu Cô Bác, Anh Chị lạm dụng hoặc sử dụng liên tục trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan.
  • Uống quá nhiều rượu bia: sử dụng quá nhiều rượu bia, thức uống có cồn vượt quá số lượng cho phép trong ngày, kéo dài nhiều năm sẽ khiến gan bị nhiễm độc, gây tổn thương gan không thể phục hồi và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan.
  • Hút thuốc lá: hút thuốc lá hoặc người chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan.

Có một yếu tố nguy cơ ung thư gan không có nghĩa là Cô Bác, Anh Chị sẽ phát triển bệnh. Cô Bác, Anh Chị cũng có thể bị ung thư gan ngay cả khi Cô Bác, Anh Chị không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào đã biết.

Các khuyến cáo về tầm soát ung thư gan (cập nhật đến 03/2022)

Tầm soát ung thư gan là phương pháp thông qua việc kiểm tra và các xét nghiệm để phát hiện ra tế bào ung thư ngay từ giai đoạn sớm khi chưa xuất hiện dấu hiệu bệnh, khi đó việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Một số xét nghiệm sàng lọc đã được chứng minh là giúp phát hiện sớm ung thư và giảm nguy cơ tử vong do bệnh ung thư đó.

Hiện tại, việc tầm soát ung thư gan chỉ được khuyến cáo cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy nhiên, ung thư gan là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam với tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cao do phát hiện bệnh muộn, điều trị không hiệu quả. Vì thế tầm soát ung thư gan theo khuyến cáo là biện pháp được khuyến khích để phát hiện bệnh sớm, tăng hiệu quả điều trị và tiên lượng sống tốt hơn. Do đó, nếu Cô Bác, Anh Chị có nguy cơ hoặc lo lắng về căn bệnh này thì có thể trao đổi với bác sĩ để cân nhắc tầm soát ung thư ở thời điểm thích hợp.

Tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/lần là cách tốt nhất phát hiện sớm bệnh ở những người có nguy cơ cao. Các nhóm bệnh nhân nên tham gia chương trình tầm soát ung thư gan theo khuyến cáo của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh Gan Mỹ (American Association for the Study of Liver Disease- AASLD, cập nhật năm 2018, tổ chức này sẽ cập nhật mỗi năm năm một lần):

 

Tỷ lệ mắc HCC

Lợi ích chắc chắn từ việc giám sát

Xơ gan có liên quan viêm gan siêu vi B

3% – 8% mỗi năm

Xơ gan có liên quan viêm gan siêu vi C

3% – 5% mỗi năm

Xơ gan và bệnh huyết sắc tố di truyền

Không xác định, có thể > 1,5% mỗi năm

Xơ gan và thiếu alpha-1 antitrypsin

Không xác định, có thể > 1,5% mỗi năm

Xơ gan do các nguyên nhân khác

Không xác định

Viêm đường mật nguyên phát độ 4

3% – 5% mỗi năm

Nam giới Châu Á trên 40 tuổi mang virus viêm gan B

0,4% – 0,6% mỗi năm

Nữ giới Châu Á trên 50 tuổi mang virus viêm gan B

0,3% – 0,6% mỗi năm

Người mang virus viêm gan B có tiền sử gia đình mắc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC)

Tỷ lệ mắc cao hơn so với không có tiền sử gia đình

Người da đen gốc Phi và /hoặc Bắc Mỹ mắc bệnh viêm gan B

Xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn

Lợi ích không chắc chắn từ việc giám sát

Người mang virus viêm gan B dưới 40 (nam) hoặc 50 (nữ)

< 0,2% mỗi năm

Viêm gan C và xơ hóa giai đoạn 3

< 1,5% mỗi năm

NAFLD không xơ gan

< 1,5% mỗi năm

Nguy cơ gia tăng không có nghĩa là Cô Bác chắc chắn sẽ bị ung thư gan. Tuy nhiên, Cô Bác có thể cần bắt đầu khám sàng lọc thường xuyên. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và lúc này việc điều trị vô cùng khó khăn, tỷ lệ có thể kéo dài tuổi thọ là vô cùng thấp. Do vậy, Cô Bác, Anh Chị cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, cân nhắc tầm soát các bệnh lý ung thư có tính phổ biến hoặc trong gia đình có người thân mắc bệnh ung thư và khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.

Dấu hiệu và triệu chứng ung thư gan là gì?

Hầu hết bệnh nhân trong giai đoạn sớm sẽ không có triệu chứng ung thư biểu mô tế bào gan, thông thường các biểu hiện, dấu hiệu sẽ liên quan đến bệnh gan mạn tính. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, chướng bụng trên, sụt cân, sốt, chán ăn, tiêu chảy và đi kèm với một số triệu chứng khác.

Các triệu chứng ung thư gan phổ biến

Các triệu chứng ung thư gan nguyên phát thường sẽ không xuất hiện trong giai đoạn sớm, khi tình trạng bệnh tiến triển, người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Ăn nhanh no, không ngon miệng.
  • Đau bụng trên, cảm thấy khó chịu.
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Suy nhược, mệt mỏi.
  • Chướng bụng, đầy hơi, bụng phình to.
  • Da và tròng trắng của mắt chuyển sang màu vàng (vàng da, vàng mắt).
  • Đi tiêu ra phân bạc màu.
  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Cơ thể dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.
  • Sốt.
Vàng mắt và da, đau bụng phía trên bên phải, khối u ở bụng phía bên phải, khó thở và chướng bụng là những dấu hiệu thường gặp khi ung thư túi mật tiến triển. Nguồn ảnh minh họa verywellhealth.com
Vàng mắt và da, đau bụng phía trên bên phải, khối u ở bụng phía bên phải, khó thở và chướng bụng là những dấu hiệu thường gặp khi ung thư gan tiến triển. Nguồn ảnh minh họa verywellhealth.com

Phương pháp chẩn đoán ung thư gan

Để chẩn đoán ung thư gan chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện các thăm khám khám lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng, giúp kết quả chẩn đoán được chính xác, tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, đồng thời bác sĩ cũng có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Khám lâm sàng

Thông qua khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi Cô Bác, Anh Chị một số câu hỏi để tìm ra nguyên nhân gây bệnh như:

  • Các triệu chứng Cô Bác đang gặp phải là gì?
  • Lần đầu tiên các triệu chứng xuất hiện khi nào?
  • Các triệu chứng có xuất hiện liên tục không?
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như thế nào?
  • Những yếu tố nào làm nghiêm trọng thêm hoặc làm giảm các triệu chứng của Cô Bác?
  • Cô Bác có thường xuyên sử dụng rượu bia hoặc thuốc lá không?
  • Cô Bác có từng mắc các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,… không?
  • Gia đình có ai đã từng mắc các bệnh liên quan không?
  • Cô Bác có đang sử dụng thuốc điều trị bệnh lý nào không?

Thông qua một số câu hỏi trên, bác sĩ có thể chẩn đoán và loại trừ một số nguyên nhân liên quan, từ đó sẽ chỉ định một số phương tiện cận lâm sàng phù hợp.

Cận lâm sàng chẩn đoán

Dựa kết quả của một số cận lâm sàng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hoặc sinh thiết gan có thể giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, xác định tình trạng, mức độ, vị trí của khối u gây ra ung thư gan (nếu có).

Xét nghiệm

Xét nghiệm máu có thể chẩn đoán các bất thường về gan và kiểm tra chức năng gan (LFTs) thông qua các chỉ số như nồng độ protein, men gan và bilirubin trong máu. Các xét nghiệm máu bao gồm:

Xét nghiệm Alpha – fetoprotein AFP: sự hiện diện của AFP trong máu có thể là dấu hiệu của ung thư gan. Protein này thường chỉ được sản xuất ở gan và túi noãn hoàng của thai nhi đang phát triển, quá trình sản xuất AFP thường ngừng sau khi sinh.

Sinh thiết gan

Trong một số trường hợp, bác sĩ cần lấy một mẫu mô ở gan để xét nghiệm, nhằm chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp sinh thiết gan phù hợp với Cô Bác, Anh Chị. 3 phương pháp sinh thiết gan phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Sinh thiết kim: bác sĩ sẽ đưa một cây kim mỏng qua bụng và vào gan để lấy mẫu mô, bác sĩ có thể kết hợp với siêu âm để quan sát nơi lấy mẫu. Sau đó, mẫu bệnh phẩm sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để tìm các dấu hiệu của bệnh ung thư.
  • Nội soi sinh thiết: phương pháp này được thực hiện bằng cách kết hợp phương pháp nội soi ổ bụng và sinh thiết. Nội soi ổ bụng được đưa vào qua một vết rạch nhỏ ở bụng, hình ảnh nội soi sẽ giúp bác sĩ quan sát gan trông như thế nào và thực hiện sinh thiết chính xác hơn.
  • Sinh thiết phẫu thuật: phẫu thuật có thể cho phép bác sĩ loại bỏ một mẫu khối u hoặc loại bỏ hoàn toàn khối u khi cần thiết. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật mở ổ bụng để kiểm tra một số cơ quan bên trong ổ bụng.

Lưu ý: sinh thiết gan có thể không thực hiện nếu hình ảnh MRI hoặc CT có thể cung cấp đủ bằng chứng cho thấy khối u trong gan có phải là ung thư không.

Sinh thiết gan và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là một trong những phương pháp chẩn đoán ung thư gan. Ảnh minh họa sưu tầm
Sinh thiết gan và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là một trong những phương pháp chẩn đoán ung thư gan. Ảnh minh họa sưu tầm

Sự gia tăng AFP trên 500 mcg/L nên nghi ngờ là dấu hiệu của ung thư biểu mô tế bào gan. Các chất chỉ điểm khối u được phê duyệt khác không được sử dụng thường xuyên là AFP phản ưng ngưng kết ống kính (AFP-L3) và Des-gamma-carboxy prothrombin (DCP), khi kết hợp với AFP có thể có giá trị tiên đoán dương tính 90%, nhưng có thể bỏ sót khoảng 9% bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan. Nếu chẩn đoán vẫn chưa được rõ ràng, bác sĩ mới thực hiện sinh thiết gan.

Chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể chỉ định các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, chụp CT và MRI. Các xét nghiệm hình ảnh giúp phân giai đoạn ung thư, xác định kích thước, vị trí của khối u đang phát triển và đánh giá xem liệu ung thư có di căn sang các cơ quan khác không.

  • Siêu âm: đây là chẩn đoán hình ảnh đầu tiên giúp bác sĩ xác định xem bệnh nhân có khối u nào trong gan không.
  • Chụp CT và MRI: nếu khối u được tìm thấy trong siêu âm, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp CT hoặc MRI gan để xác định kịch thước, vị trí, mức độ di căn.
  • Chụp mạch: chụp mạch máu thông qua CT và MRI được thực hiện để bác sĩ quan sát tình trạng các động mạch cung cấp máu cho gan. Thuốc cản quang hoặc thuốc nhuộm được tiêm vào động mạch giúp chúng hiển thị rõ hơn trên phim chụp.
  • Chụp ảnh xương có thể giúp tìm ung thư đã di căn đến xương, phương pháp này hiếm khi được chỉ định trừ khi Cô Bác, Anh Chị xuất hiện các triệu chứng đi kèm như đau xương,…

Các chẩn đoán hình ảnh cũng có thể hỗ trợ bác sĩ xác định đây là khối u lành tính hay ác tính.

Tiên lượng sống của ung thư gan

Đối với giai đoạn rất sớm (0) và giai đoạn đầu (A) trong hệ thống BCLC, bác sĩ có thể xem xét cắt bỏ hoặc thực hiện ghép gan với tỷ lệ chữa khỏi bệnh là 30%, đồng thời tiên lượng sống sau 5 năm là 40 – 70%. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn ung thư biểu mô tế bào gan, dựa trên hệ thống phân loại TNM, tiên lượng sống sau 5 năm cho giai đoạn I, II, III lần lượt là 55%, 37% và 16%.

Phương pháp điều trị ung thư gan

Phương pháp điều trị ung thư gan phụ thuộc vào giai đoạn bệnh khi phát hiện, chức năng gan, tình trạng di căn, cũng như tuổi tác, tình trạng sức khỏe,…

Nguyên tắc điều trị UTBMTBG:

  • Điều trị (các) khối UTBMTBG ở giai đoạn còn khả năng điều trị.
  • Điều trị bệnh lý nền tảng hay yếu tố nguy cơ (viêm gan siêu vi B hoặc C, xơ gan,…).
  • Điều trị nội khoa kết hợp chăm sóc giảm nhẹ ở giai đoạn muộn.

Một số phương pháp điều trị phổ biến như:

  • Phẫu thuật cắt bỏ hoặc cấy ghép gan.
  • Xạ trị.
  • Liệu pháp miễn dịch.
  • Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu.
  • Hóa trị liệu.
  • Chăm sóc hỗ trợ.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u

Đối với bệnh nhân có sức khỏe tốt, phát hiện ung thư gan trong giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị ung thư gan thành công cao, người bệnh có thể sẽ được bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u gan.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư gan và một phần nhỏ của mô gan khỏe mạnh xung quanh nếu khối u nhỏ và chức năng gan hoạt động tốt. Tuy nhiên, phương pháp này phụ thuộc vào vị trí ung thư gan, chức năng gan và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Phương pháp này thường chỉ được sử dụng cho ung thư gan giai đoạn đầu, nếu người bệnh khỏe mạnh, gan có thể tái sinh và thay thể phần bị mất. Phẫu thuật cắt bỏ có tỷ lệ không tái phát là 40% và tiên lượng sống sau 5 năm là 90%.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u là một trong những phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả. Ảnh minh họa sưu tầm
Phẫu thuật cắt bỏ khối u là một trong những phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả. Ảnh minh họa sưu tầm

Phẫu thuật cắt bỏ sẽ không được thực hiện ở những bệnh nhân mắc bệnh xơ gan hoặc khối u quá lớn, các tế bào ung thư lan ra ngoài gan.

Phẫu thuật cắt bỏ ung thư gan có thể xuất hiện một vài tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng.
  • Xuất hiện khối máu đông.
  • Biến chứng từ thuốc gây mê.
  • Viêm phổi.

Phẫu thuật cấy ghép gan

Phẫu thuật ghép gan: gan bị bệnh sẽ được loại bỏ hoàn toàn và thay thế bằng một lá gan khỏe mạnh từ người hiến tạng. Phẫu thuật cấy ghép gan chỉ là một lựa chọn cho tỷ lệ nhỏ những người bị ung thư gan giai đoạn đầu. Sau khi ghép gan, người bệnh sẽ sử dụng thuốc để ngăn cơ thể đào thải tạng mới.

Phẫu thuật cấy ghép gan không chỉ điều trị ung thư mà còn cả xơ gan. Tuy nhiên, phương pháp này có mặt hạn chế là người hiến tạng có hạn, theo thống kê từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 6.500 người hiến gan và phần lớn được sử dụng cho những vấn đề khác về gan ngoài ung thư.

Phẫu thuật cấy ghép gan sẽ giúp bệnh nhân hạn chế tỷ lệ tái phát lên đến 80% nhưng tiên lượng sống sau 5 năm chỉ có 75%.

Bên cạnh tác dụng phụ đến từ phẫu thuật, cấy ghép gan còn chịu ảnh hưởng đến từ các loại thuốc chống đào thải sau khi ghép. Một số tác dụng phụ đến từ thuốc bao gồm:

  • Huyết áp cao.
  • Cholesterol cao.
  • Một số vấn đề về thận.
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Loãng xương.

Phương pháp điều trị tại chỗ

Phương pháp điều trị tại chỗ cho ung thư gan là những phương pháp điều trị trực tiếp tại vị trí các tế bào ung thư xuất hiện hoặc khu vực xung quanh.

Các phương pháp điều trị ung thư gan tại chỗ bao gồm:

  • Làm nóng tế bào ung thư là phương pháp cắt bỏ bằng sóng cao tần sử dụng dòng điện để đốt nóng và tiêu diệt các tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng máy siêu âm để quan sát, phương pháp được thực hiện bằng cách chèn một hoặc nhiều kim mỏng vào vết rạch nhỏ ở bụng. Sau khi kim đã chạm được vào khối u, chúng sẽ được đốt nóng bằng dòng điện, tiêu diệt các tế bào ung thư. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng vi sóng hoặc lazer.
  • Kỹ thuật đông lạnh là phương pháp sử dụng các chất cực lạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ chứa nito lỏng trực tiếp lên các khối u gan. Hình ảnh siêu âm sẽ được sử dụng để theo dõi và quan sát quá trình đông lạnh các tế bào.
  • Tiêm ethanol vào khối u: ethanol sẽ được tiêm trực tiếp vào khối u, qua da hoặc trong quá trình phẫu thuật, ethanol nguyên chất có thể làm cho các tế bào ác tính chết đi.
  • Tiêm thuốc hóa trị vào gan hay còn gọi là phương pháp nút mạch hóa chất (TACE), đây là một thủ thuật y tế ít xâm lấn làm suy yếu khối u bằng cách hạn chế quá trình cung cấp máu, cung cấp thuốc chống ung thư mạnh trực tiếp đến gan.
  • Đặt các hạt chứa bức xạ vào gan: bác sĩ sẽ đặt những quả cầu nhỏ có chứa bức xạ trực tiếp vào gan, nơi chúng có thể truyền bức xạ trực tiếp đến khối u ung thư.

Một số tác dụng phụ không phổ biến khi thực hiện phương pháp điều trị ung thư gan tại chỗ bao gồm:

  • Chảy máu và bầm tím tại vị trí đặt kim hoặc đầu dò đưa vào gan.
  • Tổn thương các mạch máu trong gan hoặc các mô xung quanh nếu kim không được đặt đúng cách.
  • Nhiễm trùng.
  • Áp xe gan.
  • Tổn thương ống mật.
  • Tạo mầm mống khối u: đây là một biến chứng hiếm gặp trong đó các tế bào ung thư sẽ phân tán dọc theo đường kiêm tiêm.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng nguồn năng lượng bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Trong quá trình xạ trị, bác sĩ sẽ hướng nguồn năng lượng trực tiếp vào gan, vì vậy có thể bảo vệ các mô khỏe mạnh xung quanh. Ngoài ra, còn có một phương pháp xạ trị chuyên biệt khác gọi là xạ trị toàn thân lập thể, bác sĩ sẽ tập trung nhiều chùm bức cạ đồng thời vào một điểm trên cơ thể.

Xạ trị có thể là lựa chọn cuối cùng nếu các phương pháp khác không đáp ứng điều trị hoặc không thể thực hiện được do tình trạng sức khỏe. Đối với ung thư gan giai đoạn cuối, xạ trị là phương pháp giúp kiểm soát các triệu chứng.

Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu

Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu sẽ tập trung ngăn chặn các bất thường trong các tế bào ung thư. Tuy nhiên, phương pháp điều trị ung thư này chỉ áp dụng ở những bệnh nhân có đột biến gen nhất định. Vì vậy, trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ phân tích tế bào ung thư xem phương pháp này có phù hợp với tình trạng của bệnh nhân không.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc nhắm mục tiêu có sẵn để điều trị ung thư gan giai đoạn muộn. Các loại thuốc này bao gồm chất ức chế tyrosine kinase (TKI) như Cometriq, Lenvima, Stivarga, Nexavar.

So với hóa – xạ trị, các loại thuốc này được bào chế chỉ để tiêu diệt các tế bào ung thư, vì vậy các tế bào khỏe mạnh có thể sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các loại thuốc này vẫn gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như:

Vào ngày 29 tháng 5 năm 2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc (FDA) đã phê duyệt Tecentriq (atezolizumab) và Avastin (bevacizumab) như một phương pháp điều trị ban đầu cho những người bị ung thư gan đã di căn hoặc không thể điều trị bằng phẫu thuật. Trong nghiên cứu, bệnh nhân ung thư gan được điều trị bằng atezolizumab và bevacizumab về cơ bản sống lâu hơn những người được điều trị bằng Nexavar.

Liệu pháp thuyên tắc mạch

Liệu pháp thuyên tắc mạch được sử dụng để giảm lưu lượng máu đến các khối u gan. Bác sĩ sẽ chèn các hạt nhỏ để tạo tắc nghẽn một phần trong động mạch gan, một mạch máu khác gọi là tĩnh mạch cửa vẫn tiếp tục nuôi dưỡng các mô gan khỏe mạnh.

Liệu pháp thuyên tắc mạch có thể kết hợp với hóa xạ trị giúp nâng cao hiệu quả điều trị ung thư gan.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Hệ thống miễn dịch có thể không tấn công trực tiếp vào tế bào ung thư vì các tế bào đột biến này sản xuất các protein ngăn chặn hệ thống miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình đó.

Các phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thường dành riêng cho người mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.

Hóa trị liệu

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư ở dạng viên nén, thuốc truyền qua tĩnh mạch hoặc kết hợp cả hai.

Hóa trị đôi khi có thể sử dụng để điều trị ung thư gan giai đoạn cuối bởi vì chúng có thể ảnh hưởng đến các mô khỏe mạnh và gây ra một số tác dụng phụ.

Chăm sóc hỗ trợ

Liệu pháp hỗ trợ (chăm sóc giảm nhẹ) là phương pháp chăm sóc y tế chuyên biệt tập trung vào việc giảm đau và các triệu chứng nghiêm trọng khác. Chăm sóc giảm nhẹ thường được thực hiện đồng thời với các điều trị tích cực khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

Theo dõi sau điều trị

Theo dõi định kỳ cho đến khi bệnh nhân không thể tiếp tục được theo dõi nữa (tử vong, mất liên lạc,…).

  • Mỗi lần tái khám, bệnh nhân sẽ được đánh giá về lâm sàng và làm đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá kết quả điều trị, theo dõi diễn tiến bệnh và phát hiện tái phát.
  • Điều quan trọng đối với tất cả những bệnh nhân ung thư gan sau điều trị là phải thông báo cho bác sĩ về bất kỳ vấn đề hay triệu chứng mới nào, vì chúng có thể là do ung thư gan tái phát hoặc là triệu chứng của một căn bệnh mới hay là loại ung thư thứ hai.

Những điểm cần lưu ý về ung thư gan

Phương pháp phòng ngừa ung thư gan

Để phòng ngừa ung thư gan hiệu quả, Cô Bác, Anh Chị nên ngăn ngừa, điều trị triệt để các bệnh lý ở gan, thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ theo chỉ định của bác sĩ và tình trạng sức khỏe. Một số phương pháp giúp Cô Bác, Anh Chị ngăn ngừa ung thư gan bao gồm:

  • Giảm nguy cơ mắc bệnh xơ gan bằng cách không uống hoặc hạn chế uống các thức uống chứa cồn như rượu bia. Đối với phụ nữ chỉ nên uống ít hơn 1 ly mỗi ngày, nam giới không uống nhiều hơn 2 ly 1 ngày.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: luôn cố gắng giữ cân nặng trong mức cho phép bằng cách thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Tiêm ngừa viêm gan B: hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa virus viêm gan B, vì vậy bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm ngừa viêm gan B đầy đủ kể cả trẻ em, trẻ sơ sinh, người lớn và những người có hệ miễn dịch yếu.
  • Thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan C như:
    • Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
    • Hãy sử dụng kim tiêm sạch: không sử dụng chung, dùng lại hoặc sử dụng các loại kim tiêm không được vô trùng.
    • Thực hiện xỏ khuyên, xăm hình tại các cửa hàng uy tín.
  • Điều trị viêm gan siêu vi Bviêm gan siêu vi C.
  • Tầm soát ung thư gan định kỳ đối với người mắc bệnh viêm gan B, C, gan nhiễm mỡ và bệnh xơ gan. Thông thường, thời gian thực hiện tầm soát ung thư gan khoảng 6 tháng 1 lần, tuy nhiên phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ điều chỉnh mức độ tầm soát phù hợp.

Ung thư gan và những điều cần lưu ý

  • Ung thư gan hiện đang là căn bệnh ác tính khi có số ca mắc mới và trường hợp tử vong mỗi năm đứng đầu trong nhóm ung thư tại Việt Nam.
  • Tỷ lệ người lớn trên 40 tuổi chiếm hơn 92% số ca mắc mới trong năm 2020.
  • Ung thư gan thường được phân thành ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát.
  • Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư gan phổ biến nhất, bắt đầu phát triển từ các tế bào chính cấu tạo nên gan.
  • Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan bao gồm viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,…
  • Hầu hết bệnh nhân sẽ không có triệu chứng ung thư gan trong giai đoạn sớm.
  • Phương pháp điều trị ung thư gan phụ thuộc vào giai đoạn bệnh khi phát hiện, chức năng gan, tình trạng di căn, cũng như tuổi tác, tình trạng sức khỏe,… Một số phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật cắt bỏ hoặc cấy ghép gan.

Chế độ ăn uống dành cho người mắc bệnh ung thư gan

Hiện tại vẫn chưa có một chế độ ăn kiêng nào được khuyến nghị dành cho bệnh nhân ung thư gan. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống hợp lý và khoa học sẽ giúp bệnh nhân thúc đẩy quá trình chữa bệnh và tăng cường sức khỏe.

Cô Bác, Anh Chị có thể bị ảnh hưởng do tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị như chán ăn, buồn nôn, nôn ói hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên, Cô Bác nên cố gắng ăn uống theo chế độ dinh dưỡng đã được bác sĩ tư vấn từ trước, giúp bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể.

Người mắc bệnh ung thư gan nên ăn gì?

Điều quan trọng là phải ăn một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều thực phẩm giàu chất xơ để hỗ trợ chức năng gan. Để có sức khỏe tốt, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích người bệnh ăn nhiều loại thực phẩm sau:

  • Hoa quả và rau.
  • Ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên cám, gạo lứt, hạt diêm mạch và yến mạch.
  • Bổ sung các nguồn protein nạc như thịt gà bỏ da, cá, đậu phụ và đậu.
  • Các sản phẩm từ sữa ít béo, sữa không béo, pho mát và sữa chua.
  • Các loại hạt.

Bác sĩ cũng có thể khuyến khích bạn dùng các thực phẩm bổ sung dinh dưỡng nhất định. Ví dụ, nghiên cứu từ năm 2015 cho thấy rằng việc bổ sung axit amin chuỗi nhánh (BCAA) có thể giúp cải thiện chức năng gan ở những người bị ung thư gan.

Người mắc bệnh ung thư gan nên kiêng ăn gì?

Để có sức khỏe tốt và bảo vệ hoạt động chức năng gan, Cô Bác, Anh Chị nên hạn chế các loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa như thịt đỏ, sữa nguyên chất béo và bánh ngọt.
  • Đồ uống có đường, bánh ngọt, bánh quy và kẹo.
  • Hạn chế ăn quá mặn, thịt đông lạnh và khoai tây chiên.
  • Tránh xa rượu bia, chất gây hại cho gan.
  • Điều quan trọng là tránh ăn cá hoặc động vật có vỏ nấu chưa chín, chẳng hạn như hàu sống hoặc sushi. Hải sản sống và chưa nấu chín có thể chứa vi khuẩn có thể gây bệnh nghiêm trọng cho người bị bệnh gan.

Chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật ung thư gan

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà mỗi bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng sau khi phẫu thuật khác nhau. Điều quan trọng cần lưu ý là Cô Bác, Anh Chị nên cung cấp đủ calo và dưỡng chất thiết yếu, giúp hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh hơn. Tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thiếu chất có thể làm tăng nguy cơ biến chứng phẫu thuật.

Bác sĩ khuyến khích bắt đầu ăn ngày sau khi bệnh nhân tỉnh lại, người bệnh có thể cảm thấy nhạt miệng, chán ăn, vì vậy Cô Bác, Anh Chị nên cung cấp những loại thực phẩm ít gia vị, nhạt như cơm tẻ, bánh mì nướng, thịt gà chưa ướp gia vị,…

Táo bón là tình trạng thường gặp sau phẫu thuật vì vậy bệnh nhân nên bổ sung thêm chất xơ từ rau củ quả hoặc các thực phẩm hỗ trợ khác. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị cho uống một số loại thuốc nhuận tràng nhẹ.

Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống, hãy khai báo với bác sĩ điều trị để cung cấp chất dinh dưỡng qua đường uống. Một số trường hợp nặng, bác sĩ sẽ đặt ống dẫn thức ăn vào dạ dày trước và sau khi thực hiện phẫu thuật.

Tài liệu tham khảo

  1. Thông tin được cố vấn bởi bác sĩ tại Phòng khám Y học Chứng cứ Doctor Check.
  2. Alejandro Recio-Boiles & Hani M. Babiker. Liver Cancer. StatPearls, 2021.
  3. Brett Barlow, MD. Liver Cancer. 06 02 2022. https://www.healthline.com/health/liver-cancer (đã truy cập 02 26, 2022).
  4. Doru Paul, MD. Liver Cancer. 12 01 2021. https://www.verywellhealth.com/liver-cancer-4153008 (đã truy cập 02 26, 2022).
  5. Mayo Clinic. Mayo Clinic. 18 05 2021. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/symptoms-causes/syc-20353659 (đã truy cập 02 26, 2022).
  6. Poonam Sachdev. What is Primary Liver Cancer? 01 12 2021. https://www.webmd.com/cancer/primary-liver-cancer (đã truy cập 02 26, 2022).
  7. The American Cancer Society medical. Liver Cancer. 01 04 2019. https://www.cancer.org/cancer/liver-cancer.html (đã truy cập 02 26, 2022).
  8. Yamini Ranchod, Ph.D., M.S. Liver Cancer Diet: Everything You Need to Know. 12 01 2021. https://www.healthline.com/health/cancer/liver-cancer-diet-foods (đã truy cập 02 26, 2022). 

0 / 5. Lượt xếp hạng: 0

Xếp hạng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button
Đặt Lịch Khám Bảng Giá
Đặt Lịch Khám