Áp xe gan là loại áp xe nội tạng phổ biến nhất, một báo cáo báo gồm 540 trường hợp áp xe trong ổ bụng (bao gồm cả áp xe trong và sau phúc mạc), áp xe gan sinh mủ chiếm 48% áp xe nội tạng và 13% áp xe trong ổ bụng nói chung. Tỷ lệ mắc bệnh áp xe gan hàng năm được ước tính là 2,3 trường hợp trên 100.000 người, phần lớn xảy ra ở người lớn trong độ tuổi từ 40 – 60 tuổi và tình trạng mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.
Tổng quan về bệnh áp xe gan
Bệnh áp xe gan vẫn là một vấn đề lâm sàng quan trọng với tỷ lệ tử vong đáng kể ở các nước phát triển và đang phát triển. Bệnh áp xe gan có thể là biến chứng của nhiều bệnh nhiễm trùng trong ổ bụng, lan truyền theo đường máu qua tĩnh mạch cửa từ đường tiêu hóa hoặc có thể phát triển sau chấn thương gan.
Hai loại áp xe gan phổ biến là áp xe sinh mủ và amip. Áp xe gan do amip là nguyên nhân quan trọng gây ra các tổn thương tại gan. Ở các nước đang phát triển, áp xe gan do nhiễm amip chiếm 3 – 9%, tình trạng nhiễm trùng này là do động vật nguyên sinh E. histolytica gây ra.
Áp xe gan là gì?
Áp xe gan hay Abces gan (tên tiếng Anh: Liver Abscess) là khối u chứa mủ trong gan có thể phát triển do tổn thương gan hoặc nhiễm trùng trong ổ bụng lan truyền từ hệ tuần hoàn cửa. Phần lớn áp xe này thuộc nhóm bệnh sinh mủ hoặc amip, một số ít trường hợp khác là do ký sinh trùng và nấm gây ra.
Hầu hết các trường hợp áp xe gan amip đều do Entamoeba histolytica gây ra. Các áp xe sinh mủ thường là do vi trùng, nhưng một số vi sinh vật cũng được tìm thấy như khuẩn E.coli, Klebsiella, Streptococcus, Staphylococcus và các vi khuẩn kỵ khí.
Mủ là chất lỏng bao gồm các tế bào bạch cầu và tế bào chết, chúng được hình thành khi cơ thể chống lại nhiễm trùng. Trong trường hợp áp xe gan sinh mủ, thay vì chảy ra từ vị trí nhiễm trùng, mủ tích tụ trong một túi bên trong gan. Áp xe thường kèm theo sưng và viêm ở khu vực xung quanh, có thể gây đau và sưng ở bụng.
Mặc dù tỷ lệ mắc áp xe gan khá thấp nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, áp xe gan sinh mủ có thể vỡ ra, lây lan nhiễm trùng, dẫn đến nhiễm trùng máu và gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong.
Phân loại bệnh áp xe gan
Áp xe gan có thể được phân loại dựa theo vị trí trong gan và nguyên nhân hình thành ổ áp xe gan.
- Phân loại dựa theo vị trí trong gan bao gồm áp xe ở thùy gan phải, thùy gan trái hoặc thùy đuôi. 50% trường hợp áp xe gan xảy ra ở thùy gan phải (một phần quan trọng của gan được cung cấp nhiều máu hơn), áp xe ít gặp hơn ở thùy gan trái hoặc thùy đuôi.
- Phân loại dựa vào nguyên nhân gây bệnh bao gồm áp xe gan do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Nếu nguyên nhân là nhiễm trùng, phần lớn áp xe gan có thể đến từ vi khuẩn (bao gồm vi khuẩn hiếu khí và vi khuẩn kỵ khí) và ký sinh trùng (bao gồm cả u nang hydatiform).
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây áp xe gan
Bệnh đường mật như sỏi đường mật, hẹp đường mật, các bệnh đường mật ác tính hoặc dị tật đường mật bẩm sinh là những nguyên nhân gây áp xe gan phổ biến nhất hiện nay. Trong đó, khoảng 50% trường hợp vi khuẩn phát triển bởi viêm đường mật.
Nguyên nhân gây áp xe gan là gì?
Ngoài các bệnh đường mật, một số nguyên nhân khác gây bệnh áp xe gan bao gồm:
- Viêm ruột thừa bị vỡ khiến vi khuẩn lây lan vào hệ tiêu hóa và tạo thành áp xe.
- Ung thư tuyến tụy.
- Ung thư đại trực tràng.
- Bệnh viêm ruột bao gồm viêm túi thừa đại tràng hoặc thủng ruột.
- Nhiễm trùng máu.
- Biến chứng do chấn thương gan hoặc phẫu thuật.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân áp xe gan ít gặp hơn bao gồm:
- Nhiễm trùng máu động mạch gan.
- Nhiễm trùng máu động mạch cửa.
- Viêm túi mật.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến áp xe gan là gì?
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển áp xe gan sinh mủ bao gồm:
- Bệnh Crohn.
- Nhiễm trùng ổ bụng hoặc hệ tiêu hóa nguyên phát.
- Bệnh đái tháo đường.
- Phẫu thuật bụng gần đây.
- Nội soi ống dẫn lưu mật.
Các yếu tố nguy cơ của áp xe gan do amip bao gồm:
- Tuổi cao.
- Nghiện rượu bia hoặc uống nhiều thức uống chứa cồn.
- Suy giảm hệ thống miễn dịch do mắc bệnh HIV / AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch khác, dùng corticosteroid, cấy ghép nội tạng hoặc điều trị ung thư.
- Tình trạng dinh dưỡng kém.
- Du lịch đến những vùng có tỷ lệ nhiễm trùng amip cao.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Infective Diseases, những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc áp xe gan cao gấp 3,6 lần vì bệnh nhân thường dễ bị nhiễm trùng hơn.
Không phải tất cả các trường hợp xuất hiện các yếu tố nguy cơ đều mắc bệnh áp xe gan. Nếu Cô Bác, Anh Chị nghi ngờ hoặc cơ thể xuất hiện các yếu tố trên, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.
Dấu hiệu và triệu chứng áp xe gan là gì?
Các triệu chứng áp xe gan ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu – giai đoạn vàng để điều trị. Đến khi triệu chứng xuất hiện, bệnh thường đã tiến triển nặng, nhanh và gây nguy hiểm.
Các triệu chứng áp xe gan phổ biến
Các triệu chứng áp xe gan có thể giống với bệnh viêm túi mật hoặc nhiễm trùng như:
- Cơ thể cảm thấy ớn lạnh, khó chịu hoặc hôn mê.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Sốt, đổ mồ hôi ban đêm.
- Ho, khó thở.
- Đau ngực, đau khi thở do viêm màng phổi.
- Đau vai phải.
- Đau bụng trên bên phải.
- Chán ăn, ăn không ngon, đột ngột bị sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Vàng da hoặc vàng mắt.
- Nước tiểu sẫm màu.
- Phân bạc màu.
- Tiêu chảy.
Cô Bác, Anh Chị cũng nên lưu ý một số triệu chứng cảnh báo tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như:
- Thay đổi trạng thái tâm lý hoặc hành vi đột ngột: lú lẫn, mê sảng, hôn mê, ảo giác, hoang tưởng,…
- Sốt cao trên 38°C.
- Co giật.
- Tim đập nhanh.
- Các vấn đề về hô hấp như thở gấp, khó thở, không thở được, thở khò khè hoặc nghẹt thở.
- Nôn ói kéo dài.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Thông thường các triệu chứng áp xe gan sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên, nếu ổ áp xe bị vỡ khiến nhiễm trùng lây lan sang các cơ quan khác sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Ổ áp xe bị vỡ có thể xảy ra đột ngột, vì vậy Cô Bác, Anh Chị hãy đến gặp bác sĩ tại bệnh viện/ phòng khám nội soi dạ dày, đại trực tràng để được thăm khám và chẩn đoán nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào.
Phương pháp chẩn đoán áp xe gan
Bác sĩ chẩn đoán áp xe gan dựa vào tình trạng bệnh sử và kết quả khám sức khỏe tổng quát, sau đó sẽ chỉ định Cô Bác, Anh Chị thực hiện thêm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh phù hợp để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Xét nghiệm
Một số xét nghiệm thường được thực hiện ở bệnh nhân bị áp xe gan bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn bộ, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm men gan để đánh giá các tổn thương trong gan dựa vào các chỉ số như phosphatase kiềm (tăng ở khoảng 90% bệnh nhân), C – protein hoạt tính, tốc độ lắng hồng cầu và cấy máu để loại trừ nhiễm khuẩn huyết.
Nếu nghi ngờ áp xe gan do vi khuẩn, bệnh nhân nên xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm huyết thanh để tìm khuẩn Entamoeba histolytica. Đối với u nang hydatid, bệnh nhân cần xét nghiệm huyết thanh tìm Echinococcus. Xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzym (ELISA) là phương pháp nhạy cảm và đặc hiệu đối với Echinococcus.
Sau khi sàng lọc ban đầu bằng ELISA, cần thực hiện các xét nghiệm khẳng định bằng điện di miễn dịch và phương pháp hấp thu miễn dịch. Tỷ lệ dương tính của huyết thanh học phụ thuộc vào kích thước và vị trí của u nang. U nang gan và xương thường khiến kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính, trong khi u nang phổi, não, mắt, lách hoặc vôi hóa thì không.
Nội soi mật tụy ngược dòng
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là thủ thuật được sử dụng chẩn đoán các bệnh lý về túi mật, hệ thống dẫn mật, tuyến tụy và gan. Ngoài ra, ERCP cũng có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh lý ở gan – mật – tụy.
ERCP được thực hiện thông qua một ống nội soi dài, mỏng, linh hoạt, có đèn và camera ở cuối giúp bác sĩ quan sát và kiểm tra hệ tiêu hóa. Bác sĩ sẽ tiêm thêm thuốc cản quang trong khi chụp X-quang, chất cản quang sẽ giúp ống mật, túi mật, ống tụy, các ổ viêm loét, áp xe khu trú hiển thị rõ hơn trên phim chụp.
Nội soi mật tụy ngược dòng sẽ chỉ ra vị trí và nguyên nhân gây tắc nghẽn, cho phép đặt stent hoặc dẫn lưu ổ áp xe.
Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm ổ bụng là xét nghiệm được ưu tiên hàng đầu trong chẩn đoán áp xe gan bởi tính phổ biến, an toàn, nhanh chóng và có độ nhạy cao.
Chụp X-quang ngực có thể sử dụng chất cản quang để xác định hình ảnh vòm hoành bên phải có nâng cao không, có xẹp phổi hoặc tràn dịch màn phổi không.
Chụp CT hoặc MRI có thể được chỉ định nếu những phương pháp khác không đạt hiệu quả.
Phương pháp điều trị áp xe gan
Phương pháp điều trị áp xe gan bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh và dẫn lưu ổ áp xe. Trong một số trường hợp, người bệnh chỉ cần dùng thuốc kháng sinh, tuy nhiên, dẫn lưu áp xe vẫn được xem là liệu pháp lý tưởng để điều trị triệt để áp xe gan.
Dẫn lưu là cần thiết và có thể được thực hiện kết hợp với siêu âm hoặc chụp CT. Bác sĩ có thể chỉ định chọc hút ổ áp xe bằng kim đối với áp xe có kích thước dưới 5 cm, bệnh nhân sẽ được đặt ống thông dẫn lưu qua da đối với áp xe lớn hơn 5 cm, dẫn lưu bằng nội soi cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp. Bác sĩ cũng có thể tiến hành sinh thiết gan cùng lúc bằng cách lấy mẫu mô gan của người bệnh giúp xác định sức khỏe tổng thể của gan.
Bệnh nhân nên được phẫu thuật đối với các trường hợp viêm phúc mạc, áp xe thành dày, áp xe vỡ, nhiều ổ áp xe lớn và các thủ thuật dẫn lưu trước đó không thành công. Một cuộc phẫu thuật được thực hiện bằng cách tiếp cận qua phúc mạc hoặc tiếp cận xuyên màng cứng sau.
Thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng kết hợp với dẫn lưu và sau phẫu thuật, các loại kháng sinh nên bao gồm Enterobacteriaceae, vi khuẩn kỵ khí, liên cầu, cầu khuẩn ruột và Entamoeba histolytica. Phác đồ điều trị áp xe gan bằng thuốc kháng sinh thường sẽ sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc như cephalosporin cộng với metronidazole, chất ức chế Beta-lactam Beta-Lactamase cộng với metronidazole, hoặc penicillin tổng hợp cộng với aminoglycoside và metronidazole.
Ngoài ra, fluoroquinolon hoặc carbapenem có thể được thay thế cho cephalosporin và penicilin trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng hoặc không có sẵn thuốc. Metronidazole nên bao phủ Entamoeba histolytica.
Thời gian điều trị áp xe gan ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau nhưng thường là từ 2 – 6 tuần. Sau khi chọc hút ổ áp xe hoặc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được truyền thuốc kháng sinh qua tĩnh mạch, kháng sinh đường uống có thể được sử dụng sau đó để ngăn ngừa triệt để tình trạng nhiễm trùng và kết thúc liệu trình.
Nếu nguyên nhân gây bệnh đến từ Echinococcus, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc benzimidazole, albendazole. Liệu pháp này có thể kéo dài trong vài năm, mặc dù hầu hết các trường hợp không có biến chứng và có thể được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng, nhưng các trường hợp phức tạp phải được điều trị một cách triệt để.
Đối với các trường hợp phức tạp, chọc hút ổ áp xe và dịch trong ổ bụng là cần thiết, các bác sĩ khi thực hiện phẫu thuật cần thận trọng khi tiêm các nang hydatid trước khi dẫn lưu vì chúng có thể bị vỡ, gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Trong một nghiên cứu của Abbas, thời gian nằm viện trung bình của những người bị áp xe gan sinh mủ là 13,6 ngày. Liệu pháp kháng sinh được sử dụng cho họ trong khoảng 34,7 ngày. Mặt khác, những bệnh nhân bị áp xe gan amip có thời gian nằm viện trung bình khoảng 7,7 ngày, với thời gian điều trị trung bình là 11,8 ngày và tất cả các bệnh nhân đều được chữa khỏi.
Biến chứng của áp xe gan
Áp xe gan nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng ổ bụng: các triệu chứng lúc này bao gồm đau bụng dữ dội, sốt cao, cứng bụng,… Nếu không phẫu thuật cấp cứu, vệ sinh dẫn lưu ổ bụng nhanh chóng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn và tử vong.
- Vỡ ống tiêu hóa: Trong trường hợp vỡ áp xe gan và lan vào ống tiêu hóa như dạ dày, đại tràng,… có thể sẽ khiến ống tiêu hóa bị vỡ theo. Bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như đi ngoài ra máu, nôn ra mủ, đau bụng,… Nguy hiểm hơn là ổ áp xe có thể vỡ và dẫn lưu vào cơ thành bụng gây áp xe cơ thành bụng, rò rỉ mủ.
- Nhiễm trùng màng tim: nếu ổ áp xe nằm bên trái, có kích thước quá lớn và bị vỡ, dịch mủ có thể lan vào màng tim. Viêm màng tim thứ phát tiến triển rất nhanh, người bệnh có triệu chứng khó thở, da tím tái, nhịp tim yếu, vã mồ hôi,… nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong do ép tim cấp.
- Viêm phúc mạc.
- Phù thũng (tích tụ mủ trong ngực).
- Viêm nội tâm mạc (viêm niêm mạc tim và van tim).
- Tràn dịch màng phổi.
- Nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng).
- Sự lây lan của nhiễm trùng.
Như vậy, áp xe gan là bệnh lý tiến triển âm thầm, nguy hiểm và xuất hiện biến chứng có thể khiến người bệnh tử vong.
Bên cạnh đó, biến chứng cũng có thể xảy ra sau khi dẫn lưu ổ áp xe, bao gồm:
- Suy gan hoặc suy thận.
- Tổn thương trong ổ bụng.
- Nhiễm trùng hoặc áp xe gan tái phát.
- Áp xe dưới cơ hoành.
- Hình thành đường rò đến các cơ quan gần đó (như phổi, màng phổi,…).
- Viêm tụy cấp.
- Huyết khối tĩnh mạch gan.
Những điểm cần lưu ý về áp xe gan
Phương pháp phòng ngừa áp xe gan
Áp xe gan thường do nhiễm trùng, vi khuẩn hoặc nấm gây ra, vì vậy phương pháp phòng ngừa áp xe gan tốt nhất là giữ vệ sinh và hạn chế nhiễm trùng bằng các biện pháp được bác sĩ khuyến cáo sau đây:
- Ăn chín uống sôi: Cô Bác, Anh Chị nên hạn chế các loại thức ăn tái, thực phẩm sống, chưa được nấu chín kỹ, không đảm bảo vệ sinh như rau sống chưa được rửa sạch, giá đỗ sống, tiết canh, gỏi sống, nem chạo,… Không nên uống nước chưa đun sôi, nước không đảm bảo vệ sinh như nước suối, nước ao, nước lã, nước trữ trong bể, chum, vại,…
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Thực phẩm chế biến kém vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn, nấm xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, hãy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách chế biến thức ăn sạch sẽ, không uống nước chưa qua xử lý, không dùng phân tươi bón rau củ, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,…
- Điều trị nhiễm trùng triệt để: Nhiễm trùng ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể cũng có thể tiến triển và lan đến gan gây áp xe nếu không điều trị triệt để.
- Đi khám sớm khi có dấu hiệu bệnh: Nếu Cô Bác, Anh Chị gặp các dấu hiệu bệnh lý nghi ngờ của áp xe gan, hãy sớm đến bệnh viện để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời.
Áp xe gan và những điều cần lưu ý
- Áp xe gan là bệnh lý không phổ biến nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Áp xe gan sinh mủ chiếm gần 50% các trường hợp áp xe nội tạng.
- Bệnh đường mật là nguyên nhân gây áp xe gan phổ biến nhất hiện nay.
- Dấu hiệu và triệu chứng áp xe gan sẽ không biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn sớm.
- Điều trị áp xe gan bằng thuốc kháng sinh kết hợp với dẫn lưu áp xe.
- Nếu tình trạng áp xe gan không được điều trị sớm có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng, vỡ ống tiêu hóa,…
Tài liệu tham khảo
- Healthgrades Editorial Staff. Liver Abscess. 18 01 2021. https://www.healthgrades.com/right-care/liver-conditions/liver-abscess (đã truy cập 03 15, 2022).
- Hossein Akhondi & Durr E. Sabih. Liver Abscess. StatPearls, 2022.
- Lydia Krause. Pyogenic Liver Abscess. 17 09 2018. https://www.healthline.com/health/pyogenic-liver-abscess (đã truy cập 03 15, 2022).
- Mushtak Talib Abbas, Fahmi Yousef Khan, Saif A. Muhsin, Baidaa Al-Dehwe, Mohamed Abukamar and Abdel-Naser Elzouki. “Epidemiology, Clinical Features and Outcome of Liver Abscess: A single Reference Center Experience in Qatar.” Oman Medical Journal, 05 2014: 260 – 263.