Dấu ấn ung thư đại trực tràng CEA

Dấu ấn ung thư đại trực tràng CEA

CEA là gì?

CEA là một nhóm các glycoprotein không đồng nhất có trọng lượng phân tử 200.000 dalton, di chuyển cùng với các beta globulin khi làm điện di máu. Ở người lớn, CEA bình thường được thấy với hàm lượng vết trong máu. Tuy vậy, CEA có xu hướng tăng cao ở các bệnh lý ác tính.

Kháng nguyên ung thư biểu mô phôi CEA được sản xuất bởi:

  • Biểu mô phôi và thai: nồng độ CEA tăng lên trong thời gian có thai, đạt đỉnh ở tuần 22 rồi trở về bình thường ở tuần 40.
  • Các tế bào ruột với một lượng nhỏ và được thanh thải bởi tế bào Kupffer của gan
  • Các tế bào ung thư nhất là:
    • Ung thư đại trực tràng: 50% có giá trị CEA > 10
    • Ung thư vú: 30% có giá trị CEA > 10
    • Ung thư phổi: 29% có giá trị CEA > 10

CEA là một chất chỉ dẫn kém đặc hiệu do có nhiều bệnh lý không phải là bệnh lý khối u cũng có thể gây tăng CEA, vì vậy không nên sử dụng đơn độc xét nghiệm CEA trong chẩn đoán ung thư.

 

Mục đích và chỉ định xét nghiệm CEA

  • Xét nghiệm giúp chẩn đoán và tiên lượng một số ung thư, nhất là ung thư đại trực tràng.
  • Theo dõi các ung thư đại trực tràng và một số loại ung thư chọn lọc khác.
  • Để chẩn đoán tràn dịch màng phổi do ung thư.

 

Yêu cầu khi đi xét nghiệm

  • Xét nghiệm được tiến hành trên huyết thanh (kỹ thuật miễn dịch phóng xạ).
  • Bệnh nhân không cần nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.

 

Giá trị bình thường của CEA

  • Người không hút thuốc: < 3 ng/mL
  • Người hút thuốc: < 5 ng/mL

 

Các yếu tố làm thay đổi kết quả xét nghiệm CEA

  • Hút thuốc có thể làm tăng nồng độ CEA.
  • Các thuốc làm tăng nồng độ CEA: thuốc điều trị ung thư, thuốc gây độc cho gan.

 

Tăng nồng độ CEA khi nào?

Nguyên nhân chính thường gặp là:

  • Các bệnh lý ung thư theo thứ tự giảm dần
    • Đại trực tràng
    • Phổi
    • Tuỵ
    • Dạ dày
    • Bệnh lơxêmi
    • Các bệnh lý khối u khác: buồng trứng, tử cung, tuyến giáp

Giữa các bệnh lý lành tình và ác tính có sự chồng chéo trong giá trị của CEA. Do đó tăng CEA chỉ là một dấu hiệu gợi ý, song không đủ để chẩn đoán xác định ung thư.

  • Tràn dịch màng phổi do căn nguyên ung thư cũng có thể làm tăng CEA
  • Bệnh lý viêm không do căn nguyên ác tính và hoạt độ của CEA sẽ giảm xuống khi tình trạng bệnh lý thuyên giảm
    • Bệnh Crohn
    • Viêm loét đại tràng: 18% bệnh nhân có tăng nồng độ CEA
    • Viêm túi thừa
    • Viêm loét da dày – tá tràng
    • Viêm tuỵ cấp và mạn
  • Bệnh gan
    • Xơ gan
    • Do rượu
    • Viêm gan mạn đợt tiến triển
    • Viêm túi mật
  • Nguyên nhân khác
    • Hút thuốc lá
    • Viêm phổi do vi khuẩn
    • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mạn, khí phế thũng
    • Viêm khớp dạng thấp
    • Có thai
    • Suy giáp
    • Sau xạ trị

 

◊ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng 2013, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh – DSCKII. Nguyễn Thị Hương.

Đặt Lịch Khám Bảng Giá
028 5678 9999